Ảnh internet.
Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh internet.

Đánh giá về công tác ứng phó với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hồng Hiếu, Phó Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trong thời gian tới, để ứng phó với vấn đề hạn mặn, cần thực hiện các giải pháp trước mắt như theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của địa phương phù hợp với diễn biến của nguồn nước. 

Xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để chủ động tổ chức triển khai các giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, trường hợp cần thiết huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân. Theo dõi, đề xuất các khu vực tập trung dân cư thiếu nước sinh hoạt cần ưu tiên cấp bách để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước; có hình thức linh hoạt tích trữ nước ngọt, tránh lãng phí nguồn nước ngọt”.

Ông Hiếu nhấn mạnh, cần rà soát lại diện tích cây trồng và khuyến cáo thực hiện cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn gây ra; Giải phóng các chướng ngại vật lòng kênh, khơi thông dòng chảy trên các kênh trục, kênh nhánh; triển khai các phương án ngăn mặn, giữ ngọt, tiết kiệm nước tưới. Vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại.

"Về lâu dài cần tiếp tục đàm phán, hợp tác với các quốc gia thượng nguồn có hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, để vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì chế độ dòng chảy trên sông ở mức phù hợp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực do xâm nhập mặn.

Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa trung ương và địa phương, các ngành", Phó Cục Quản lý Tài nguyên nước cho hay.

Để triển khai thực hiện các giải pháp thì không thể thiếu việc tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là dự báo hạn 10 ngày, theo tháng, theo mùa. Xây dựng hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ việc điều hòa, phân phối nguồn nước; hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả phần thượng nguồn của lưu vực sông.

Nghiên cứu, triển khai các phương án xây hồ chứa, các giải pháp tích trữ nước liên vùng, liên tỉnh với quy mô phù hợp với quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch vùng đồng bằng sông cửu long và quy hoạch thuỷ lợi, để tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt, điều tiết nguồn nước.

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Theo đó, hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) sẽ công bố kịch bản nguồn nước lưu vực sông Cửu Long để dự báo, cảnh báo xu thế diễn biến nguồn nước theo từng thời kỳ trong năm, đánh giá mức độ hạn hán, thiếu nước trên lưu vực sông.

Căn cứ kịch bản nguồn nước, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và UBND 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xây dựng kế hoạch sử dụng nước phù hợp với kịch bản nguồn nước nhằm chủ động nguồn nước cho sản xuất, và nhất là nước cho sinh hoạt của nhân dân trong vùng.

..
Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Cục Quản lý Tài nguyên nước cho rằng, cần xem xét vấn đề cấp nước sạch liên vùng tại ĐBSCL: “Theo tôi, xây dựng mô hình xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung, liên vùng là cần thiết, áp dụng cho các khu vực đông dân cư tập trung, tuy nhiên cần kết hợp với mô hình cấp nước phân tán mới phù hợp, đem lại hiệu quả cao, đảm bảo việc cấp nước ổn định cho nhân dân ở vùng này. Tôi cũng được biết hiện nay Bộ Xây dựng cũng đang chủ trì xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật cấp, thoát nước, trong đó những vấn đề về cấp nước sẽ được nghiên cứu, xem xét, quy định thấu đáo trong nội dung của Luật”.

Về ứng phó với xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Tiến sỹ Nguyễn Đăng Mậu, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu thông tin: “Từ nay đến hết mùa khô năm 2023-2024, các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường công tác vận hành hệ thống công trình cống chống xâm nhập mặn, công tác cung cấp nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của người dân.

ĐBSCL là vùng thường xuyên chịu tác động bởi hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô. Về lâu dài, chúng ta cần triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó “sống chung với hạn hán và xâm nhập mặn” như tăng cường công tác giám sát, cảnh báo và dự báo. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, sử dụng tài nguyên nước hợp lý. Hệ thống công trình thuỷ lợi chống mặn. Phát triển hệ thống hồ chứa nước ngọt; Phát triển hệ thống cung cấp nước sạch liên vùng. Thay đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, phát triển các giống cây trồng chống chịu với hạn hán và xâm nhập mặn”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đăng Mậu, về mặt chính sách, Chính phủ đã quyết liệt triển khai nhiều chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) vùng ĐBSCL. Các quy hoạch vùng, tỉnh và ngành đều thực hiện lồng ghép ứng phó với BĐKH; các bộ, ngành và địa phương đã ban hành kế hoạch ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Ảnh internet.
Chuyên gia trao đổi các giải pháp sống chung với hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh internet.

Năm 2023, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, Quy hoạch vùng dễ bị hạn và bị ngập mặn hàng năm đã được ban hành.

Thực tế, các bộ ngành và địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực ứng phó với thiên tai và BĐKH ở vùng ĐBSCL. Hệ thống công trình thuỷ lợi chống mặn đã phát huy hiệu quả. Các cấp chính quyền và người dân đã thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi mô hình thích ứng với BĐKH, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.

Các chuyên gia đều khẳng định, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phát huy hiệu quả, đời sống người dân ngày càng cải thiện, nhận thức về nguồn nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất hiệu quả theo từng vùng sinh thái.

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh góp phần cải thiện đáng kể chất lượng đất trồng. Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã giúp cho nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng chất lượng sản phẩm. Nhìn chung, những bước đi hiện nay là đúng hướng và bước đầu có hiệu quả, nhiều mô hình kinh tế đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đời sống của người dân ổn định.

H.Dương (t/h)