Theo ông Andy Ho, việc Việt Nam mở cửa nền kinh tế theo định hướng “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là động thái tích cực và sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Hai tháng cuối năm 2021 là minh chứng rõ ràng cho hướng đi mới để khôi phục đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng đầy ấn tượng của Việt Nam, ông Andy Ho nhận định.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam từ năm 2022 đạt khoảng 5-7%. Ảnh minh họa internet
Dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam từ năm 2022 đạt khoảng 5-7%. Ảnh minh họa internet.

Ông Andy Ho nói: “Tôi cho rằng chúng ta khá may mắn khi nền kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan và thị trường chứng khoán đang phát triển mạnh mẽ trong hai năm qua và tin rằng từ năm 2022, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 5 - 7% mỗi năm như giai đoạn trước đại dịch”.

Theo phân tích của ông Andy Ho thì trong quá trình phục hồi và phát triển thì cần lưu ý, có một số lĩnh vực sẽ phục hồi chậm hơn. Nhưng, các ngân hàng sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực, do đó, chúng ta cần chú ý dòng tiền và chất lượng các khoản cho vay nói chung và cụ thể hơn đối với những lĩnh vực cần thời gian dài hơn để hồi phục. Trong sự trở lại đó, thì Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa  trong việc kiểm soát đại dịch, ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng cân bằng với phát triển kinh tế - xã hội. “Covid-19 chưa từng có tiền lệ, chúng ta đều lần đầu đối diện và phải học hỏi, rút kinh nghiệm trong suốt thời gian qua, sau từng giai đoạn đều có những bài học để điều chỉnh đối sách cho phù hợp hơn”, ông Andy Ho chia sẻ.

Việc mở cửa nền kinh tế theo định hướng: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là động thái tích cực và sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong những tháng tới, tạo ra việc làm, giúp người dân có thu nhập và có khả năng tiêu tiền trở lại từ đó đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng.

Ông Andy Ho chỉ rõ: “Việt Nam phải nhanh chóng vực dậy ngành du lịch - lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch và cũng là nhóm ngành đóng góp lớn vào GDP của Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng các cơ quan ban ngành liên quan sẽ tìm được cách mở cửa an toàn để đón khách du lịch quốc tế trở lại nhằm giúp ngành du lịch và vận chuyển hành khách sớm hồi phục trong thời gian tới”.

Về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ông Andy Ho nhận định: “Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài – FDI là các khoản đầu tư lớn và dài hạn vào Việt Nam, chẳng hạn như đầu tư của các tập đoàn như LG, Samsung, Intel và Coca Cola. Các hoạt động đầu tư này giúp tạo ra rất nhiều việc làm, của cải cho xã hội đồng thời chuyển giao cả các tiến bộ công nghệ. Năm 2022, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn.

Tác động lên nền kinh tế Việt Nam của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED- dự kiến có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2022, được ông Andy Ho nhìn nhận: Nếu nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi và phát triển tốt, người Mỹ sẽ mua nhiều hàng hóa hơn, đồng nghĩa với việc Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn vì hàng hóa Việt Nam được ưu chuộng tại thị trường Hoa Kỳ. Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 90 tỷ USD hàng hóa và kỳ vọng con số này tiếp tục tăng.

Vốn đầu tư FDI sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn để thành lập các cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu, việc này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, tạo ra của cải cho xã hội và đương nhiên sẽ giúp hỗ trợ thị trường chứng khoán khi người dân có thêm tài sản nhàn rỗi.

 Q.N (t/h)