Anh Võ Văn Đoàn, sinh năm 1964, quê xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa rất yêu và thích cây cau.
Từ ý tưởng này, năm 2017 tình cờ, anh xem trên truyền hình thấy người dân Ấn Độ đã làm giàu từ những chiếc mo cau.
Giã từ nghề dạy học, anh và những người thân gia đình rủ nhau đi du lịch Ấn Độ tìm hiểu để thực hiện ý tưởng. Sau chuyến đi ấy, anh Đoàn đã quyết định đầu tư gần 04 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, công nghệ máy móc, sản xuất chế biến mo cau tham gia xuất khẩu.
Anh chia sẻ, nghề này có hai cái lợi đó là, góp phần phòng chống rác thải nhựa và tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương.
Anh Đoàn tâm sự: Tỉnh Quảng Ngãi có hàng ngàn ha cau. Mo cau gắn liền với tuổi thơ người dân Quảng Ngãi và tuổi thơ tôi. Ngày xưa, thỉnh thoảng mẹ tôi nhặt mo cau làm quạt, làm đồ chơi cho các con; rồi những câu chuyện về cơm nắm mo cau…
Ngày nay, mo cau được tận dụng để sản xuất ra rất nhiều sản phẩm dùng trong đời sống hàng ngày, thay thế hộp xốp nhựa, vừa tạo ra nét đặc sắc riêng, giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa giúp giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Sau chuyến tham quan ở Ấn Độ, tôi tận mắt nhìn thấy, các nghệ nhân xứ người đã tạo mo cau thành các sản phẩm với nhiều hình dạng khác nhau và nhiều công dụng hữu ích cho đời. Đồng thời tạo môi trường xanh, sạch, đẹp khiến nhiều người thích thú quan tâm.
Sinh ra và lớn lên ở xã Nghĩa Trung - nơi đây người nông dân trồng rất nhiều cau và cây cau đã in sâu vào tri thức tôi. Chợt nhớ hương vị cơm mo cau của mẹ, với mùi thơm đặc trưng hương cau và thấy người thân ăn bữa cơm vội vàng, đựng trong hộp xốp, khay xốp, khay nhựa trong các quán ăn, quày hàng, siêu thị... sau khi dùng xong lại vứt tràn ra môi trường.
Điều này khiến tôi buồn và trăn trở rất nhiều. Một ý nghĩ thôi thúc tôi về quê, chọn những mo cau thật đẹp, làm thành sản phẩm thật xinh, mang lại ý nghĩa cho đời, như một món quà quê cung cấp cho thị trường. Từ đó Bộ sản phẩm chén, dĩa, muỗng làm từ mo cau Phúc Thịnh ra đời…
Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại – dịch vụ Phúc Thịnh của tôi là đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi thu mua mo cau để sản xuất thành chén, dĩa, muỗng. Mỗi chiếc mo cau có vân tự nhiên khác nhau, nên mỗi sản phẩm làm ra trở nên độc đáo và độc nhất. Mo cau tự nhiên có lớp chống thấm gần như hoàn hảo.
Sản phẩm từ mo cau có khả năng phân hủy hoàn toàn trong điều kiện tự nhiên mà không sinh ra các hạt vi nhựa hoặc các chất vô cơ gây hại cho sức khỏe con người và môi trường thiên nhiên. Vì thế, các sản phẩm làm từ mo cau là cách để tôi kết nối với tự nhiên, qua từng cái chén, cái dĩa, cái muỗng… làm từ mo cau để dùng hằng ngày. Bộ sản phẩm chén, dĩa, muỗng Phúc Thịnh hoàn toàn từ thiên nhiên.
Quá trình khai thác nguyên liệu và chế biến không sử dụng bất cứ loại hóa chất hoặc các tác nhân sinh học khác. Công ty đã liên kết với các hộ nông dân tại địa phương mở rộng nguồn nguyên liệu để đảm bảo nguyên liệu đủ tiêu chuẩn cung ứng cho nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Công ty tận dụng nguồn nguyên liệu và lao động của địa phương nên giá thành của sản phẩm thấp, dẫn đến giá sản phẩm rẻ, cạnh tranh với đối thủ về giá.
Ngoài ra, sản phẩm mo cau Phúc Thịnh độc đáo và sắt nét, người tiêu dùng rất thích thú và ưa dùng. Doanh thu hàng năm khá lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mang lại thu nhập ổn định cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện bình quân một ngày cơ sở sản xuất từ 1.000-2.000 sản phẩm các loại. Sản phẩm của Công ty có bán lẻ trên các kênh thương mại điện tử, đã có đơn hàng tại chỗ và các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và xuất khẩu qua các nước như: Mỹ, Trung Quốc,.. Bộ Sản phẩm chén, dĩa, muỗng từ mo cau Phúc Thịnh vừa đẹp, độc đáo, lại thân thiện với môi trường nên được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng.
Từ những chiếc mo cau làng quê, từ năm 2020 đến nay, tuy bị dịch Covid-19 hoành hành ở nhiều nơi nhưng doanh nghiệp anh Đoàn cũng sản xuất bán sang thị trường Mỹ và Singapo thu về được hơn 18.000 USD và 390.000.000 VNĐ.
Ngoài tham gia thị trường xuất khẩu, ông chủ doanh nghiệp mo cau Phúc Thịnh, Nghĩa Trung, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi còn hợp đồng với các nhà hàng khách sạn, các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh kêu gọi mọi khách hàng tiêu dùng, tích cực hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Và dùng sản phẩm mo cau là góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn bản sắc văn hóa Việt và xóa đói giảm nghèo ở vùng quê hiện nay.
Bài và ảnh : Trần Đình Quang