Theo Bộ Công Thương, chỉ sau 1 năm Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Canada năm 2019 đã ghi nhận tăng trưởng vượt bậc, đạt 4,8 tỷ USD, tăng tới 23,3% so với năm 2018. Năm 2020, bất chấp khó khăn của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế thế giới trao đổi thương mại song phương vẫn đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,6%. Dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Canada. Trong khi đó, máy móc, thiết bị, lúa mì, đậu tương, hóa chất là các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Canada.
CPTPP là một trong những FTA đã được doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả ngay khi có hiệu lực. Trong cuộc trao đổi gần đây với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ: “Hàng Việt Nam đã tiếp cận, khai thác hiệu quả những cơ hội của các thị trường, đặc biệt các thị trường mà chúng ta có được các FTA, ngay cả với CPTPP - khu vực kinh tế thương mại còn nhiều điều kiện rất xa lạ với chúng ta, trong đó tiêu biểu là các thị trường mới như: Mexico, Chile hay một số thị trường khác”.
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2020, sự tăng trưởng đột biến trong xuất khẩu hàng hóa không phải chỉ thông qua giá trị tuyệt đối của kim ngạch xuất khẩu mà ngay cả tỷ lệ khai thác, sử dụng các mẫu chứng nhận xuất xứ (C/O) cho những ưu đãi ở khu vực thị trường mới có FTA đã thường xuyên đạt được mức độ từ 30% đến trên 80%. Đó chính là yếu tố tạo ra cơ hội tăng trưởng và tăng trưởng bền vững trong cán cân thương mại song phương với các quốc gia này.
Thêm vào đó là rất nhiều các lĩnh vực ngành hàng mới đã được khai thác và sử dụng các mẫu C/O này, không chỉ gói gọn trong các nhóm hàng nông sản. Ngoài ra, việc khai thác mở cửa các thị trường và tham gia các FTA thì việc đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng rất nhanh. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực sản xuất mà còn cải thiện trình độ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố xu thế bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất. Đặc biệt giúp các doanh nghiệp trong nước có điều kiện tiếp cận vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thời gian tới, Bộ Công Thương định hướng sẽ tiếp tục tổ chức xây dựng, hoàn thiện hệ thống khuôn khổ luật pháp để hướng tới sự phát triển mang tính văn minh, tiến bộ của đất nước, của xã hội, của nền kinh tế. Trong đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật để không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị nắm bắt và thực thi hiệu quả mà doanh nghiệp, người dân cũng phải thực sự trở thành chủ thể đích thực của quá trình hội nhập. Chỉ có như vậy mới khai thác tối đa những lợi ích từ các FTA.
Hà Trần