Công nhân sản xuất các mặt hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kydo Việt Nam (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng dư địa từ Nhật Bản còn rất lớn và là mảnh đất tiềm năng giúp tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai.
Vì thế, bên cạnh sự chủ động từ phía doanh nghiệp, vẫn cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước. Bởi đây sẽ là đòn bẩy giúp hàng hóa Việt Nam tự tin và vươn xa hơn tại xứ sở hoa anh đào.
Tạo đà tăng trưởng
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm đến nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản liên tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 6 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 9,68 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng lưu ý, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản các mặt hàng như dệt may, thủy sản, máy móc thiết bị, phụ tùng, đồ gỗ, điện thoại di động, linh kiện điện tử và nhập khẩu các máy móc thiết bị công nghệ cao, linh kiện...
Không dừng lại ở đó, Nhật Bản tiếp tục là nhà đầu tư lớn thứ 2 của Việt Nam với 4.118 dự án, tổng vốn đăng ký 57,3 tỷ USD (tính đến đầu tháng 5) và chủ yếu tập trung trong công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ, bất động sản...
Đặc biệt, hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản; trong đó, có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển.
Nhận định từ giới phân tích, sở dĩ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng mạnh thời gian qua là nhờ Hiệp định CPTPP. Bởi đây là lần đầu tiên Nhật Bản cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cụ thể, theo điều khoản trong CPTPP, Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế ngay đối với 86% số dòng thuế, tương đương 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản và gần 90% số dòng thuế sau 5 năm.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, cơ hội cho Việt Nam tận dụng ưu đãi trong Hiệp định này rất lớn, nhất là quy tắc "cộng gộp" hay còn gọi là "chuỗi cung ứng trong - ngoài FTA.
Chẳng hạn như Việt Nam có ưu điểm là sản xuất sợi tốt nhưng khâu hoàn thiện vải gặp vấn đề lớn về công nghệ, môi trường... Vì thế, nhiều doanh nghiệp phía Bắc sau khi dệt vải mộc sẽ chuyển sang Trung Quốc để thực hiện khâu định hình vải và nhuộm. Sau đó, vải thành phẩm được Việt Nam nhập lại để đưa vào may mặc.
Những sản phẩm này nếu được xuất khẩu sang Nhật theo Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP) sẽ không được ưu đãi thuế quan do bị coi là "mất xuất xứ."
Tuy nhiên với CPTPP, quy tắc tự chứng nhận xuất xứ cho phép doanh nghiệp tự chuẩn bị hồ sơ, chứng từ để chứng minh khâu sản xuất sợi đầu tiên là từ Việt Nam, từ đó sẽ được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang Nhật Bản.
Đánh giá về tác động tích cực của CPTPP đối với Việt Nam và Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định: CPTPP được dự đoán sẽ mang lại những lợi ích hai chiều hết sức to lớn cho cả Việt Nam và Nhật Bản.
Hơn nữa, CPTPP sẽ cho phép các công ty Nhật Bản được quyền tham gia vào thị trường mua sắm Chính phủ đang phát triển rất nhanh của Việt Nam, vốn từ trước đến nay đóng cửa với các doanh nghiệp nước ngoài.
Mặt khác, các ngành dịch vụ vốn là thế mạnh của Nhật Bản như ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, logistics, kế toán, thiết kế đồ họa cũng sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Bà Yuri Sato, Phó Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) bày tỏ tin tưởng CPTPP sẽ củng cố vai trò của Việt Nam như cứ điểm sản xuất, xuất khẩu, hướng đến thị trường toàn cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ nhận được các lợi ích tương tự khi xâm nhập thị trường Nhật Bản.
Theo bà Yuri Sato, Hiệp định CPTPP cũng đặt ra các cam kết bảo hộ mạnh nhất từ trước tới nay về quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ đầu tư; trong đó có quyền rút vốn, chuyển tiền, bồi thường công bằng khi bị quốc hữu hóa tài sản và trợ giúp pháp lý. Những điểm này cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường xuất khẩu công nghệ sang Việt Nam.
Do đó, CPTPP sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy thương mại và đầu tư giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, không chỉ giới hạn ở việc cắt giảm các dòng thuế mà còn tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cũng như làm giảm các thủ tục về thương mại và đầu tư.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Chủ động đổi mới
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Nhật Bản, mới đây Tập đoàn AEON đã phối hợp với Công ty TNHH AEON Việt Nam và Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Nhà cung cấp của AEON năm 2019.
Ông Shibata Eiji, Phó Chủ tịch Tập đoàn AEON cho hay, tiềm năng của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Nhật Bản là khá lớn. Nếu như năm 2013, lần đầu tiên Nhật Bản nhập khẩu cá tra Việt Nam với con số vô cùng khiêm tốn là 5 tấn nhưng đến năm 2018, con số đã tăng lên đến 100 tấn, gấp 20 lần.
Cùng với cá tra, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Nhật Bản thông qua hệ thống AEON tăng mạnh trong thời gian vừa qua như vali khóa kéo, hàng thời trang, thực phẩm...
Theo ông Shibata Eiji, AEON đang đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng chuyên dụng thực phẩm, thời trang may mặc và điện máy gia dụng. Đây là các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung đầu tư để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản, thông qua AEON.
Tập đoàn bán lẻ AEON của Nhật Bản cho biết sẽ tăng gấp đôi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lên 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD vào năm 2015.
Theo các chuyên gia thương mại, để đẩy mạnh xuất khẩu việc thực hiện một chiến lược marketing xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là điều phải tính đến trước tiên và là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu bền vững sang thị trường này. Điều này cũng góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hai bên cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để các mặt hàng nông, thủy sản vào thị trường hai nước nhiều hơn; đồng thời triển khai hiệu quả sáng kiến chung Việt-Nhật để cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hơn nữa làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần triển khai kế hoạch hành động của 6 ngành công nghiệp đã được lựa chọn trong Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để kim ngạch thương mại giữa hai nước ngày càng tăng trưởng trong thời gian tới.
Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc tham gia sâu vào các hiệp định thương mại kinh tế, đặc biệt là Hiệp định CPTPP giúp Việt Nam gia tăng cơ hội xuất khẩu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tăng sức ép cạnh tranh với nhóm hàng nông lâm thủy sản và có thể đối mặt với nguy cơ thu hẹp sản xuất.
Do vậy, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về các ưu đãi thuế quan của Hiệp định CPTPP đối với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu.
Mặt khác, doanh nghiệp phải chủ động hơn trong việc tìm hướng hợp tác với thị trường Nhật Bản để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn để thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản cũng như vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu./.
Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)