Tham dự và chủ trì Hội nghị, có Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quốc Trung; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến.
Hội nghị đã có sự tham dự của hơn 300 diễn giả và khách mời là đại diện các cơ quan, sở, ngành địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng của 19 tỉnh/ thành phố (Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau); đại diện các bộ ngành thành viên của Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương; các chuyên gia kinh tế thương mại; đại diện các cơ quan báo chí của Bộ Công thương và báo chí tại địa phương…
Hội nghị nhằm triển khai hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế trong nước theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn; đề xuất giải pháp quyết liệt, kịp thời và đồng bộ hơn nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc thực thi các cam kết FTA, đặc biệt là các cam kết trong Hiệp định CPTPP; tận dụng các FTA để phát triển và thâm nhập thị trường mới, đặc biệt là các thị trường có quan hệ FTA với Việt Nam để tạo nền tảng cho xuất khẩu phát triển bền vững. Hội nghị cũng phân tích, đánh giá những mặt hàng, ngành hàng và một số mặt hàng chủ lực sẽ tập trung phát triển trong thời gian tới.
Hội nghị tập trung gồm 2 nhóm nội dung: Phát triển Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và Nhóm nông nghiệp chế biến.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc chủ động tham gia, đàm phán và ký kết Hiệp định CPTPP thể hiện chủ trương xuyên suốt, mang tính nhất quán của Đảng và Chính phủ Việt Nam đối với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việc ký kết CPTPP chứng tỏ năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam lên tầng nấc mới, mức độ mới.
Để tiếp tục thực hiện đồng bộ và khai thác hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc thực thi hiệu quả các FTA trong thời gian tới, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, để triển khai Hiệp định CPTPP, ngày 24/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 121/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 456/QĐ-BCT về Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP vào ngày 1/3/2019. Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và công chúng nắm vững, hiểu đúng và hiểu nhất quán các cam kết.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đại diện của Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày về các nội dung cụ thể, thiết thực liên quan đến việc hướng dẫn triển khai CPTPP, như: Quy tắc xuất xứ trong CPTPP và vấn đề tận dụng ưu đãi trong các FTA, Cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan của các nước thành viên CPTPP dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; Cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan của Việt Nam cho các nước thành viên CPTPP; Các vấn đề đặt ra đối với việc phát triển nhóm ngành công nghiệp chế tạo, chế biến khi Việt Nam tham gia CPTPP; Phát triển sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản vào thị trường các nước thành viên CPTPP; Chương trình xúc tiến xuất khẩu vào thị trường các nước thành viên CPTPP và cơ hội đối với doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, Hội nghị còn có phần thảo luận, trả lời các vấn đề các doanh nghiệp quan tâm liên quan đến các vấn đề nổi bật như sự phối hợp của các bộ, ngành để thực thi hiệu quả các FTA, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ...
Minh Anh