Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, ngày 14/1/2019, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Như vậy, Việt Nam đã trở quốc gia thứ 7 thực thi Hiệp định này. Ngoài hai hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương thế hệ mới là CPTPP và EVFTA thì các hiệp định FTA khác cũng được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội thuế quan cho các doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam.
(Ảnh minh họa)
Các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Gần như toàn bộ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có thủy sản vào các nước CPTPP khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình.
Trước đó cuối tháng 10/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu để chấp thuận ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến vào cuối năm 2018 và trình Nghị viện châu Âu phê chuẩn đầu năm 2019. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, ngành thủy sản sẽ hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực khi 90% dòng thuế đánh vào các mặt hàng thủy sản xuất khẩu qua EU sẽ giảm về 0% trong 3 – 4 năm (mức thuế nhập khẩu vào EU hiện tại khoảng 14%).
Khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở (chiếm 50% số dòng thuế) đối với sản phẩm thủy sản hiện đang mức từ 0-22% (trong đó phần lớn thuế cao từ 6-22%) sẽ giảm về 0% khi Hiệp định có hiệu lực; 50% số dòng thuế cơ sở còn lại từ 5,5-26% sẽ về 0% sau từ 3-7 năm.
Riêng sản phẩm cá ngừ đóng hộp và surimi, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.
Cụ thể, có 64/330 dòng thuế về 0% ngay. 28 dòng thuế (chiếm 71% xuất khẩu gồm tôm sú, tôm chế biến, ghẹ, cua…) thực chất về 0%, các dòng còn lại vốn đã 0% hoặc hưởng 0% theo GSP.
Vasep cho biết, năm 2019, hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế - cơ hội cho DN tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế 0% đối với tất cả các dòng sản phẩm thủy sản.
Hằng Vương (t/h)