Bài 2 (bài cuối): 10 câu hỏi tiếp theo liên quan hoạt động đấu
Bảo đảm dự thầu là một khái niệm quen thuộc trong các hoạt động đấu thầu, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Bài viết này của DauThau.info, sẽ giải đáp 10 câu hỏi tiếp theo trong tổng số 20 câu hỏi thường gặp nhất, liên quan đến bảo đảm dự thầu, giúp các nhà thầu nắm vững quy định và thủ tục liên quan.
Câu 11: Nhà thầu bị hủy thầu do thực hiện hành vi thông thầu, thì có được hoàn trả bảo đảm dự thầu không?
Trả lời: Theo quy định tại điểm b, Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023, có quy định cụ thể về việc nhà thầu bị hủy thầu do thực hiện hành vi thông thầu, thì có được hoàn trả bảo đảm dự thầu không. Cụ thể:
“Bảo đảm dự thầu
9. Bảo đảm dự thầu không được hoàn trả trong các trường hợp sau đây:
b) Nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của luật này, hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ, khoản 1, điểm d và điểm đ, khoản 2, Điều 17 của luật này”.
Dẫn chiếu theo khoản 4, Điều 16 - Luật Đấu thầu 2023 như sau:
“Các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu
Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Làm giả hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu trong đấu thầu;
b) Cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”.
Như vậy, nhà thầu trúng thầu do thực hiện một trong những hành vi gian lận trong đấu thầu, sẽ bị hủy thầu. Và nếu bị hủy thầu trong trường hợp này, thì nhà thầu sẽ không được hoàn trả bảo đảm dự thầu theo quy định.
Câu 12: Mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu xây lắp là bao nhiêu?
Trả lời: Căn cứ tại Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023, có quy định cụ thể về bảo đảm dự thầu như sau:
“Bảo đảm dự thầu
Bảo đảm dự thầu, được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
b) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư, căn cứ quy mô và tính chất của từng dự án, dự án đầu tư kinh doanh, gói thầu cụ thể, mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu, được quy định như sau:
a) Từ 1% đến 1,5% giá gói thầu, áp dụng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng;
b) Từ 1,5% đến 3% giá gói thầu, áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này;
c) Từ 0,5% đến 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh, áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư”.
Như vậy, bảo đảm dự thầu được áp dụng đối với gói thầu xây lắp. Căn cứ quy mô và tính chất của gói thầu xây lắp thì, mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu được xác định như sau:
Từ 1% đến 1,5% giá gói thầu, áp dụng đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng;
Từ 1,5% đến 3% giá gói thầu, áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023;
Từ 0,5% đến 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh, áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư.
Câu 13: Bảo đảm dự thầu có được hoàn trả khi bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, nhưng nhà thầu cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh hay không?
Trả lời: Theo điểm b, khoản 9, Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023, quy định về bảo đảm dự thầu như sau:
“b) Nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của luật này, hoặc vi phạm pháp luật về đấu thầu dẫn đến phải hủy thầu theo quy định tại điểm d và điểm đ, khoản 1, điểm d và điểm đ, khoản 2, Điều 17 của luật này”.
Dẫn chiếu đến điểm c, khoản 3, Điều 16 - Luật Đấu thầu 2023 quy định như sau:
“c) Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu”.
Như vậy, bảo đảm dự thầu - sẽ không được hoàn trả khi nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.
Nhà thầu sẽ không được hoàn trả bảo đảm dự thầu nếu không cung cấp tài liệu chứng minh theo yêu cầu của bên mời thầu
Câu 14: Việc thực hiện bảo đảm dự thầu, có được áp dụng đối với nhà thầu liên danh tham dự thầu hay không?
Trả lời: Theo khoản 8, Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023 có quy định như sau:
“7. Trường hợp liên danh tham dự thầu, từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng, hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh.
Tổng giá trị của bảo đảm dự thầu, không thấp hơn giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu. Trường hợp có thành viên trong liên danh vi phạm quy định tại khoản 9 điều này, thì bảo đảm dự thầu của tất cả thành viên trong liên danh không được hoàn trả”.
Như vậy, đối với trường hợp này các thành viên nhà thầu liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng lẻ, hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho các thành viên đó và các thành viên còn lại trong liên danh.
Câu 15: Bảo đảm dự thầu, không phải do ngân hàng phát hành có phù hợp không?
Trả lời: Căn cứ theo điểm d, Điều 24 - Nghị định 24/2024/NĐ-CP có quy định như sau:
“d) Có bảo đảm dự thầu với giá trị, thời hạn hiệu lực và đơn vị thụ hưởng đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh, hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh, thì thư bảo lãnh, giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh không vi phạm một trong các trường hợp sau đây:
Có giá trị thấp hơn, thời gian có hiệu lực ngắn hơn so yêu cầu của hồ sơ mời thầu, không đúng tên đơn vị thụ hưởng, không có chữ ký hợp lệ, ký trước khi phát hành hồ sơ mời thầu, có kèm theo các điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu.
Thư bảo lãnh, hoặc giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh, phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên, đóng dấu (nếu có).
Đối với gói thầu bảo hiểm, nhà thầu tham dự thầu không được xuất trình giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh, do mình phát hành”.
Như vậy, bảo đảm dự thầu, phải do tổ chức tín dụng trong nước, hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên, đóng dấu (nếu có).
Trường hợp bảo lãnh dự thầu không phải do ngân hàng phát - vẫn phù hợp nếu đó là các đơn vị được quy định tại điểm d, Điều 24 - Nghị định 24/2024/NĐ-CP.
Câu 16: Những trường hợp nào, bảo đảm dự thầu được coi là không hợp lệ?
Trả lời: Bảo lãnh dự thầu không hợp lệ khi rơi vào một trong 6 trường hợp sau đây:
Có giá trị thấp hơn yêu cầu trong thông báo mời thầu;
Thời gian có hiệu lực ngắn hơn so yêu cầu quy định tại hồ sơ mời thầu;
Không đúng tên đơn vị thụ hưởng, tên đơn vị thụ hưởng đây là tên bên mời thầu (xin lưu ý là bên mời thầu chứ không phải là chủ đầu tư);
Không có chữ ký hợp lệ;
Ký trước khi bên mời thầu phát hành hồ sơ mời thầu;
Có kèm theo các điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu (trong đó bao gồm cả việc không đáp ứng đủ các cam kết theo mẫu).
Câu 17: Nhà thầu thương thảo không thành công, có được hoàn trả lại bảo đảm dự thầu?
Trả lời: Trường hợp nếu thương thảo không thành công, thì nhà thầu sẽ được hoàn trả bảo đảm dự thầu.
Câu 18: Đấu thầu rộng rãi đối với gói thầu tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, có phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu không?
Trả lời: Căn cứ điểm a, khoản 2 và khoản 3, Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023 có quy định như sau:
“2. Bảo đảm dự thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
b) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư”.
Như vậy, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình, thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Đấu thầu, thì không yêu cầu nhà thầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo quy định nêu trên.
Câu 19: Bảo đảm dự thầu, thực hiện theo những hình thức nào?
Trả lời: Căn cứ theo khoản 1, Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023 có quy định cụ thể như sau:
“1. Nhà thầu, nhà đầu tư phải thực hiện một trong các biện pháp sau đây để bảo đảm trách nhiệm dự thầu trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu:
a) Đặt cọc;
b) Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng trong nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
c) Nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam”.
Như vậy, bảo đảm dự thầu sẽ được thực hiện theo hình thức đặt cọc, nộp thư bảo lãnh, nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh, theo quy định tại khoản 1, Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023.
Câu 20: Những trường hợp nào được áp dụng bảo đảm dự thầu?
Trả lời: Theo khoản 2, Điều 14 - Luật Đấu thầu 2023 có quy định về những trường hợp được áp dụng bảo đảm dự thầu. Cụ thể:
“2. Bảo đảm dự thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh đối với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp;
b) Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư”.
Thủy Hương (Nguồn: DauThau.info)