Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 - là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Vương quốc Anh. Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường Anh cần hiểu rõ về Hiệp định UKVFTA về cam kết thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu; các quy định về pháp lý và giải quyết tranh chấp khi xuất khẩu theo Hiệp định.

Hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả nông sản. Tuy nhiên, việc tiếp cận đối với thị trường này không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu cao về chất lượng nông phẩm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiệp định UKVFTA đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có hiệp định thương mại tự do với Anh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được lợi thế cạnh tranh này nếu sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn Anh và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh.

Bộ Công Thương khuyến cáo, Hiệp định UKVFTA đã có hiệu lực đầy đủ nhưng cơ hội không chờ đợi ai và có thể không kéo dài, vì Anh sẽ gia nhập Hiệp định CPTPP trong tương lai không xa và đang tích cực theo đuổi các hiệp định thương mại song phương với các đối tác thương mại lớn.

Thị trường Anh là một thị trường lớn nhưng có yêu cầu cao về chất lượng nông phẩm và rất cạnh tranh. doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tiếp cận thị trường này khi và chỉ khi thực hành sản xuất theo Global GAP hay Euro GAP và các áp dụng các quy chuẩn quản trị quốc tế như ISO, SA và ILO.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam phải có khả năng đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng để phát triển quan hệ hợp tác bền vững với các đối tác của Anh. Để có thể thiết lập được cơ sở và mở rộng thị phần bền vững tại Anh bên cạnh các đối thủ cạnh tranh mạnh đến từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi và Ấn Độ, doanh nghiệp Việt Nam còn phải có chiến lược tiếp cận thị trường phù hợp. Thương vụ Việt Nam tại Anh với sự hỗ trợ của các chuyên gia marketing sở tại sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Anh khuyến cáo, chất lượng sản phẩm là tiêu chí đầu tiên để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Anh, Bắc Ai Len, tiếp đó là phương pháp tiếp cận thị trường phù hợp.

Doanh nghiệp cần sử dụng hòm thư có tên công ty khi gửi thư giới thiệu hàng hóa tới đối tác Anh để tránh bị phần mềm lọc thư rác loại bỏ, xây dựng và duy trì website bằng tiếng Anh chuyên nghiệp và ổn định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã có bạn hàng tại Anh phải tiếp tục xây dựng uy tín, bồi đắp niềm tin để phát triển quan hệ đối tác dài hạn. Còn các doanh nghiệp chưa có bạn hàng phải nghiên cứu thị trường để điều chỉnh sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đồng thời tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng tại các hội chợ và triển lãm thương mại.

Bàn về các quy định về pháp lý và giải quyết tranh chấp khi xuất khẩu theo Hiệp định, bà Hoàng Thị Hải Hà, Phó trưởng phòng Luật pháp quốc tế - Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) nhìn nhận, đa phần doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam lúng túng và chưa nắm các vấn đề trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nên dễ bị thua thiệt khi nảy sinh tranh chấp với đối tác.

Có 2 vấn đề pháp lý doanh nghiệp cần lưu ý khi ký kết hợp đồng ngoại thương, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, gồm: Lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, chủ yếu là hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa và lựa chọn cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp hợp đồng.

Theo đó, luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế hiện nay phổ biến là Công ước Vienna của Liên Hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước Vienna). Công ước này thống nhất nguồn luật áp dụng trong hợp đồng và giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, chi phí, thời gian chọn luật áp dụng cho hợp đồng.

Tuy nhiên, bà Hà cho biết, Anh chưa phải là thành viên của Công ước Vienna, do đó, không thể tự động áp dụng Công ước Vienna đối với hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Anh mà phải có sự thỏa thuận giữa 2 bên. Khi đàm phán hợp đồng, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể đề xuất lấy Công ước Vienna là luật áp dụng cho hợp đồng thay vì luật của Anh hoặc nước thứ 3.

Trong trường hợp không đàm phán được, doanh nghiệp Việt Nam nên tham khảo quy định mẫu của Công ước Vienna về nghĩa vụ của người bán, người mua, trường hợp vi phạm hợp đồng, chế tài, trường hợp nào được miễn trách nhiệm để đưa vào hợp đồng, dự liệu và phòng tránh rủi ro ngay từ khi đàm phán hợp đồng.

Với vấn đề thỏa thuận trọng tài, đại diện Vụ Pháp chế khuyến cáo, trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, có điều khoản chọn trọng tài và doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể đề xuất giải quyết tranh chấp tại tổ chức trọng tài quốc tế có trụ sở tại Việt Nam hoặc tổ chức trọng tài quốc tế tại nước thứ 3.

Ông Nguyễn Cảnh Cường thông tin, doanh nghiệp Anh thường đề nghị đối tác dùng luật của Anh để điều chỉnh khi tranh chấp, điều này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, tranh chấp thương mại hay điều chỉnh hợp đồng cũng là vấn đề trong thương mại các doanh nghiệp cần đối mặt. Do đó, trong đàm phán hợp đồng, doanh nghiệp Việt Nam cần đề xuất sử dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp.

Minh Anh