Tổng sản lượng tháng 8 ước khoảng 801,4 nghìn tấn, giảm 2,6% so với cùng kỳ và là tháng giảm đầu tiên trong năm 2021. Dù vậy, đà tăng trưởng của 7 tháng đầu năm vẫn giúp lũy kế tổng sản lượng đến hết tháng 8/2021 đạt gần 5,7 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ 2020 và bằng 66,2% kế hoạch năm 2021.
Dù ngành thủy sản còn tồn tại khó khăn, Việt Nam còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong những tháng cuối năm. Cơ hội hoàn thành mục tiêu kim ngạch 8,8 tỷ USD trong năm nay vẫn còn. Một trong những lý do là nguồn cung thủy sản hiện không đứt hoàn toàn.
Tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có một lượng lớn lao động trở về do dịch bệnh. Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong khu vực sạch bệnh hoàn toàn có thể tận dụng nguồn lực này, xoay vòng với lượng nhân công đang thực hiện "3 tại chỗ" ở các cơ sở, để đẩy nhanh tốc độ sản xuất.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục cũng đã tích cực thông tin cho bà con nông dân, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo cơ chế tháo gỡ, thúc đẩy cho bà con duy trì nuôi trồng, khai thác thủy hải sản.
"Bà con cần được thông tin kịp thời, rằng nhu cầu của thị trường là rất lớn. Nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đơn hàng có thể sẽ tới tấp. Chúng ta cần lên kế hoạch để chuẩn bị nuôi thả từ trước vài tháng. Bằng không, ngành thủy sản có thể chịu nguy cơ thiệt hại kép: Vừa không thể tranh thủ được các thị trường thiếu hụt nguồn cung, vừa thiếu đảm bảo cho chu kỳ sản xuất mới", ông Luân chia sẻ.
Theo Nghị quyết 105, lũy kế ít nhất khoảng 1 triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng, đồng thời đưa đa số này trở lại hoạt động.
Bên cạnh đó, các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, và các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động... cũng được ưu đãi cho nhóm đối tượng này. Đây được xem là đòn bẩy cho ngành thủy sản trong quý IV/2021.
Trúc Mai