Từ nay đến cuối năm, nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra rất cao do các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ cao, phạm vi rộng.

Một số mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường, có khả năng lây lan nhanh, rộng; do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID – 19 nên việc tổ chức tiêm các loại vắc xin bị hạn chế; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thu động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, dễ phát sinh dịch bệnh…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương, đơn vị cần bám sát các chương trình, kế hoạch quốc gia và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm động vật, thủy sản từ nay đến cuối năm.

Tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi.

Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm dịch tại chỗ; tăng cường quản lý hoạt động giết mổ, nhất là đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng dịch đến người chăn nuôi để giảm thiểu thấp nhất nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh đối với động vật trên cạn và thủy sản.

Tại Phú Thọ, từ đầu năm đến nay đã xuất hiện hai ổ dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy 45 con lợn; một ổ dịch Cúm gia cầm A/H5N6 phải tiêu hủy trên 600 con gia cầm; 19 ổ bệnh dại tại tám huyện, thành, thị khiến ba người tử vong. Các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác được kiểm soát tốt, trên địa bàn tỉnh không phát sinh các ổ dịch bệnh mới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải đã chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương chú trọng việc tái đàn, tăng đàn vật nuôi trên cơ sở hạ tầng sẵn có, phù hợp với nhu cầu của thị trường theo hướng sản xuất tập trung, hàng hóa, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các huyện miền núi để tận dụng lợi thế của địa phương; phát huy kinh nghiệm chống dịch trong những năm qua để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dại; dự trữ đủ lượng hóa chất, vắc-xin, trang thiết bị, vật tư cần thiết, kịp thời xuất cấp để khống chế nhanh khi có dịch bệnh phát sinh; thực hiện quyết liệt giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời.

Tiếp tục xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; chủ động các phương án cung ứng sản phẩm thịt trong các tình huống triển khai chống dịch bệnh COVID-19 đảm bảo an toàn theo qui định. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, cũng như các tổ chức xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật và tiêu thụ sản phẩm động vật thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống và thương mại điện tử.

Hoan Nguyễn