Tiềm năng rất lớn
Theo các chuyên gia, những lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất từ tích hợp kỹ thuật số, bao gồm sản xuất, nông nghiệp, bán lẻ, giao thông, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông. Trong đó, các DNNVV trong mảng bán lẻ có thể tăng doanh thu trung bình tới 15%.
Tuy nhiên, các DNNVV tại Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, một trong số đó là vấn đề nhân sự khi có tới 40% số DN được hỏi cho biết; không có đủ nhân lực có kỹ năng số hóa cần thiết. Bên cạnh đó, sự hạn chế về thanh toán xuyên biên giới, logistics và quy trình xuất khẩu cũng là những rào cản lớn đối với việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế số.
Hãng tư vấn Bain & Co cho rằng, doanh thu các DNNVV trong mảng bán lẻ sẽ tăng trung bình 15% nếu chuyển sang thương mại điện tử. “Số hóa ở tầm vĩ mô rõ ràng sẽ gây chuyển biến trong nền kinh tế, cũng như bất kỳ làn sóng thay đổi nào trước đây, như sự bùng nổ máy tính. Bạn sẽ thấy có sự thay đổi về các giá trị được tạo ra, cách các công ty vận hành và kỹ năng mà người lao động cần có”, Florian Hoppe - lãnh đạo mảng hoạt động kỹ thuật số tại châu Á - Thái Bình Dương của Bain cho biết.
Dù vậy, 25% công ty vừa và nhỏ tham gia khảo sát của Bain cho rằng, sự hạn chế về thanh toán xuyên biên giới là rào cản lớn nhất của họ trong việc bán hàng online ra nước ngoài. Gần 3/4 khẳng định logistics và quy trình xuất khẩu là rào cản với thương mại xuyên biên giới. Một vấn đề khác là sự thiếu hụt kỹ năng với 2/5 cho rằng, không có đủ nhân lực có kỹ năng số hóa cần thiết.
Theo Báo cáo, chính phủ các nước ASEAN nên cải thiện thanh toán kỹ thuật số trong nước và khu vực, đồng thời có cách tiếp cận thống nhất về bảo vệ dữ liệu. Các lĩnh vực sẽ hưởng lợi lớn từ tích hợp kỹ thuật số là sản xuất, nông nghiệp, bán lẻ, giao thông, logistics, công nghệ thông tin và truyền thông.
Việt Nam cần làm gì…?
Để phát triển nền kinh tế số, theo giới chuyên gia, Chính phủ cần xây dựng và công bố quy hoạch ngành về ứng dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, ban hành các chuẩn trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị để tạo sự liên kết, đồng bộ trong quá trình đầu tư và phát triển hạ tầng, dựa vào ứng dụng công nghệ thông tin.
Các chuyên gia cũng đề xuất việc tăng nhu cầu về tin học hóa của cơ quan công quyền (tạo cầu), thông qua việc đẩy mạnh chương trình chính phủ điện tử trong tất cả các lĩnh vực. Cần xây dựng hạ tầng thanh toán điện tử bằng các giải pháp hạn chế sử dụng tiền mặt; hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, chữ ký số. Điều không kém phần quan trọng là phải có những chính sách ưu đãi về thuế cho ngành phần mềm, các khu công nghệ cao, các công viên phần mềm.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin - được xem là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế số của Việt Nam. Theo các bản báo cáo của Vietnamworks, có gần 15.000 nhân sự trong ngành công nghệ thông tin Việt Nam được tuyển dụng trong năm 2016; dự báo đến cuối năm 2018, ngành này sẽ thiếu hụt khoảng 70.000 người và đến năm 2020 sẽ là 500.000 người.
Vì vậy, bên cạnh việc thay đổi chương trình đào tạo theo kịp các xu thế công nghệ mới như Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), công nghệ robot..., rất cần đẩy nhanh việc xã hội hóa giáo dục công nghệ thông tin bằng việc tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tiếp cận lĩnh vực này càng sớm càng tốt.
Cao Huyền