Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, hiện tại, lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước rất ít, trong khi hai nhà máy lọc dầu trong nước là Dung Quất và Nghi Sơn của PVN lượng xăng dầu dồi dào, thời điểm cao điểm tồn kho đến 90% sản lượng. Chính vì vậy, đề xuất của PVN "dừng nhập khẩu xăng dầu" là chính đáng.

Theo ông Ngãi, trong vài ba tháng tới - nhu cầu xăng dầu phải đảm bảo cung cấp đầy đủ cho nền kinh tế. Do đó, nếu có nhập khẩu nên bắt đầu vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.2020. Thời điểm này, lượng xăng dầu trong nước vơi đi thì nhập khẩu là đúng.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc PVN đề xuất ngưng nhập xăng dầu thời điểm này là hợp lý. Bởi, hiện nay, dịch Covid-19 chưa kết thúc, nhu cầu sử dụng dầu thô, xăng tinh chế cũng như các sản phẩm hóa dầu trong tháng tới được dự báo còn rất chậm, nên lượng xăng dầu và sản phẩm hóa dầu tồn đọng nhiều, trong khi công suất các kho tích trữ có hạn.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) lại không đồng tình với đề xuất của PVN, dù ông cho rằng thời điểm hiện tại PVN cần được “cứu”, cần được hỗ trợ khi lượng hàng tồn kho quá nhiều mà nhu cầu tiêu khụ quá chậm.

Chuyên gia này cho biết, phải đi từ gốc của vấn đề, phải hiểu văn bản của PVN là đề nghị 32 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ngừng nhập xăng dầu, điều này là không phù hợp. Bởi, giá xăng dầu trong nước luôn phụ thuộc vào giá xăng dầu trên thế giới, các doanh nghiệp như Nghi Sơn, Dung Quất bán không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng vẫn bán xăng dầu theo giá thế giới.

Nhà máy Dung Quất (Ảnh: C.T)

Nhà máy Dung Quất (Ảnh: C.T)

 “Các đơn vị đầu mối là đơn vị kinh doanh, PVN cũng là đơn vị kinh doanh. PVN khó khăn, các đơn vị đầu mối cũng khó khăn. Nhưng PVN lấy lý do dư thừa, sợ không bán được hàng để đề nghị Chính phủ ép các đơn vị đầu mối khác phải mua xăng dầu của mình thì rất vô lý. Nếu Chính phủ làm vậy thì sẽ một tiền lệ rất xấu sẽ được thiết lập, môi trường kinh doanh sẽ trở nên không lành mạnh. Thủ tướng đã nhiều lần nói phải tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nếu bây giờ lại làm theo ý của PVN thì rất trái khoáy”.

Về triết lý kinh doanh, ông Long khẳng định "nơi nào rẻ thì họ mua". Hiện nay, có rất nhiều nguồn nhập khẩu xăng dầu khác nhau, song Việt Nam chủ yếu nhập xăng dầu từ Hàn Quốc, vì thuế xăng của Hàn Quốc chỉ 10% thôi, dầu là 0%. PVN nếu muốn tiêu thụ hết hàng tồn thì cũng có thể tham gia cạnh tranh, hạ giá thành (ít nhất phải tương đồng với giá nhập khẩu xăng dầu của Hàn Quốc), để các doanh nghiệp khác tự nguyện hỗ trợ, tiêu thụ hàng trong nước.

"Trong điều kiện kinh doanh, các doanh nghiệp có quyền được tự do tìm các đối tác mà không vi phạm các luật pháp. PVN và các đơn vị thành viên sản xuất ra xăng, lượng xăng dầu tồn kho nhiều lại "ép" các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải tiêu thụ sản phẩm của họ là rất vô lý. Đã là kinh doanh thì phải tư duy hội nhập, thuận mua vừa bán, theo kinh tế thị trường, chứ không phải tư duy theo lối áp đặt", ông Long nhận định.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, tất nhiên là có hỗ trợ cho các doanh nghiệp của PVN. "Nếu giá của PVN hợp lý hơn, tôi tin các đơn vị kinh doanh xăng dầu trong nước sẽ tin dùng xăng dầu của họ, đỡ mất công nhập khẩu, đỡ công vận chuyển. Điều quan trọng nhất là tạo môi truờng kinh doanh một cách lành mạnh, thông thoáng. Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, cái gì cũng phải tính lợi cho các bên, cho cả người tiêu dùng nữa", ông Long nói và cho hay khi xem xét, tính toán, đề xuất một vấn đề gì, phải căn cứ vào thể chế luật pháp, căn cứ vào điều kiện kinh doanh.

PV