Cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước vẫn chậm tiến độ - Hình 1

Công nhân Công ty Thủy điện Ða Nhim - Hàm Thuận - Ða Mi (trực thuộc Tổng công ty phát điện 1) vận hành phát điện

Cụ thể, năm 2018 phải hoàn thành CPH 85 DN, trong đó có 21 DN thuộc danh mục năm 2017 chuyển sang, nhưng mới CPH được 19 DN; thoái vốn tại 181 DN, nhưng mới thực hiện được tại 10 DN, chưa kể còn 118 DN chưa thực hiện thoái vốn trong năm 2017 chuyển sang. Bên cạnh đó, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt.

Ðáng lưu ý là tiến độ CPH, thoái vốn đang chững lại, ngay cả đơn vị từ trước đến nay được đánh giá là thực hiện tích cực, hiệu quả như SCIC. Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Ðức Chi cho biết, từ đầu năm đến nay, SCIC chỉ CPH được hai DN vì vấp rào cản mới tại Nghị định 32/2018/NÐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NÐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN, có hiệu lực từ ngày 1/5/2018. Cụ thể, Nghị định 32 bắt buộc phải đưa lợi thế quyền thuê đất trả tiền hằng năm; định giá thương hiệu; quyền sử dụng đất giao, đất thuê; quyền sở hữu trí tuệ; giá trị văn hóa, lịch sử… vào giá khởi điểm. Ðây là điểm mới nhưng cũng là vấn đề khiến DN phải suy nghĩ nhất, không biết làm thế nào vì chưa có văn bản hướng dẫn. Nếu vẫn thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá, trong đó không thể hiện lợi thế quyền thuê đất trả tiền hằng năm thì sợ sai. Giải quyết vướng mắc này, mới đây, Bộ Xây dựng thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera (mã chứng khoán VGC) đã quyết định khảo sát giá thị trường là 10 đồng thì tự cộng năm đồng vào cho yên tâm. Kết quả là giá chào bán cổ phần VGC cao hơn gần 10% so với giá cổ phiếu trên sàn, dẫn đến không bán được, phải giữ lại chờ đến năm 2019 thoái tiếp.

Bên cạnh đó, quy định đấu giá tại Nghị định 32 cũng rất khó thực hiện. Sau khi xác định giá khởi điểm, đã niêm yết cổ phần trên thị trường chứng khoán (TTCK) phải công bố giá bán tối thiểu 20 ngày trước đấu giá cổ phần, nhà đầu tư muốn mua lập tức phải đặt cọc. Nếu TTCK tăng trần liên tục, nhà đầu tư phải trả tiền theo giá sàn ngày đấu giá, nếu không sẽ mất tiền đặt cọc. Như vậy, không nhà đầu tư nào bỏ giá mua bởi họ sẽ mất ngay tiền đặt cọc nếu TTCK đi lên. "Nếu không có hướng dẫn cụ thể cho hai điểm nghẽn này, lãnh đạo DN có dũng cảm, sáng tạo mấy cũng không dám quyết phương án CPH, còn nhà đầu tư không dám vào. Như thế không thể tránh khỏi tình huống "đem bán rồi lại mang về", ông Chi nhận xét. Do vướng mắc về cơ chế, tại SCIC có DN loay hoay bán vốn tám lần không có kết quả.

Trong khi đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn chưa CPH được DN nào, dù nắm tới 78% số lượng DN phải CPH trong năm 2018. TP Hồ Chí Minh được giao CPH 39 DN và Hà Nội được giao CPH 11 DN. Nút thắt trong tiến trình CPH của hai đầu tàu kinh tế này chủ yếu vẫn là đất. Phó Trưởng BCÐ Ðổi mới và Phát triển DN thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Trung Lâm cho biết, trong số 39 DNNN phải CPH có 22 DN công ích đang được giao nhiệm vụ giữ hộ, cho thuê, quản lý hơn 1.000 mặt bằng nhà, đất. Diện tích nhà, đất này không thể mang theo khi CPH, do đó thành phố đang dự trù thành lập đơn vị sự nghiệp để quản lý. Nhưng xu hướng CPH cả đơn vị sự nghiệp không thể thực hiện được cho nên vẫn đang lúng túng. Hơn nữa, trong 14 tổng công ty phải CPH, có 30 DN liên doanh với nước ngoài. Theo điều khoản cam kết từ khi thành lập, nếu Nhà nước rút vốn phải có ý kiến của đối tác nước ngoài hoặc bán cho họ phần vốn đó. Ðến nay, đối tác không đồng ý bán phần vốn góp của Nhà nước ra ngoài. Bên cạnh đó, thành phố cũng muốn giữ lại một số DN 100% vốn nhà nước và có những DNNN muốn nâng tỷ lệ vốn nhà nước. Những vướng mắc này cần phải chờ tổng hợp, báo cáo, xin cơ chế đặc thù của Thủ tướng Chính phủ.

Về phía Hà Nội, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản, việc chậm hoàn thành CPH có nguyên nhân từ xác định giá trị quyền, phương án sử dụng đất. Trước đây, do quản lý chưa chặt chẽ, có tình trạng DN hoàn thành CPH chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tạo cơ hội cho nhà đầu tư vào "nhòm ngó" đất đai. Theo quy định mới, phương án sử dụng đất phải được xác định trước khi CPH, nhưng công tác rà soát đất đai phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ CPH.

Tương tự, một số tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc sự quản lý của các bộ cũng tiếp tục chậm tiến độ CPH do chưa xác định xong phương án sử dụng đất, như Tổng Công ty phát điện 1, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. BCÐ Ðổi mới và Phát triển DN cho rằng, để gỡ nút thắt CPH, thoái vốn DNNN, trước hết cần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan. Cụ thể, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2015/TT-BTC về đầu tư vốn nhà nước vào DN và ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32 của Chính phủ. Các địa phương khẩn trương rà soát, phê duyệt kịp thời phương án sử dụng đất theo quy định đối với các DN có danh sách CPH. Cần xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, CPH, thoái vốn nhà nước tại DN. Xử lý nghiêm lãnh đạo DN, người đại diện vốn không nghiêm túc thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả nhiệm vụ được giao. Ðối với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết ngay khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Hằng Vương (T/h)