Chúng tôi dự kiến KBC có thể ghi nhận doanh thu cho thuê mới cho 111 ha đất KCN trong 2024, bao gồm 16 ha KCN Quang Châu, 30 ha KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, 25 ha KCN Tân Phú Trung, 30 ha KCN Tràng Duệ 3 và 10 ha CCN Hưng Yên với kì vọng Tràng Duệ 3 và CCN Hưng Yên bắt đầu cho thuê trong nửa cuối năm nay.
Đầu tháng 6/2024, KBC đã làm việc với ban lãnh đạo tỉnh Cần Thơ về đề xuất đầu tư KCN Ô Môn và Cờ Đỏ với tổng quy mô lên đến 1,320 ha, cùng với các dự án đang được KBC triển khai trên cả nước sẽ đảm bảo được quỹ đất KCN cho doanh nghiệp trong dài hạn.
KBC trình ĐHCĐ diễn ra vào tháng 6 này kế hoạch phát hành 250 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ tăng từ 7.676 tỷ đồng lên 10.176 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được dùng để tái cơ cấu nợ vay, tăng vốn góp vào công ty con, công ty liên kết.
Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu KBC, mức giá mục tiêu là 42.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 38,6% so với mức giá đóng cửa 30.300 đồng ngày 14/06/2024.
Tiềm năng DBC từ việc mở rộng công suất
CTCK Agriseco (AGR)
CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC – sàn HOSE) đã đầu tư tăng công suất với các dự án trang trại chăn nuôi quy mô lớn: Dự án chăn nuôi Thanh Hóa (Công suất: 5.600 lợn nái, 77.400 lợn thương phẩm); Dự án lợn giống Phú Thọ - giai đoạn 3 (Công suất: 4.800 lợn nái, hơn 70.000 lợn thương phẩm).
Ngoài ra, DBC cũng đang đầu tư nhà máy ép dầu giai đoạn 2 và dần hoàn thiện nhà máy sản xuất vaccine Dacovac với công suất 200 triệu liều/năm. Hiện Nhà máy vaccine đang phấn đấu hoàn tất kiểm nghiệm vào cuối tháng 5 tới đây và tiến hành đánh giá GMP, hướng tới việc thương mại hoá trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay.
Việc DBC gia tăng công suất phù hợp với xu thế dịch chuyển trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam. Cụ thể, Luật Chăn nuôi 2020 cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Như vậy, hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi trên cả nước sẽ phải di dời. Qua đó thúc đẩy xu hướng thị phần từ nhỏ lẻ chuyển sang các DN lớn hoàn thiện chuỗi giá trị.
Tiềm năng mảng Vaccine của DBC cũng được đánh giá tích cực khi hiện tại mới chỉ có Việt Nam sản xuất được loại vaccine này. Nếu thành công, Vaccine sẽ trở thành một mảng kinh doanh mới đóng góp đáng kể vào cơ cấu doanh thu của DBC.
Triển vọng lợi nhuận 2024 của DBC tích cực còn đến từ diễn biến giá lợn và giá TACN thay đổi theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể, giá lợn đã tăng lên 64.000- 65.000/kg (tăng 30% từ đầu năm) trong khi giá nguyên liệu TACN sụt giảm.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu ACB
CTCK Agriseco (AGR)
Cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu đang trong vùng tái tích lũy sau một xu hướng tăng kéo dài từ đầu năm 2024.
Trong ngắn hạn, cổ phiếu ACB đã có tín hiệu tích lũy và điều chỉnh quanh vùng đỉnh trước so với thị trường, cho thấy đây có thể là cổ phiếu dẫn dắt xu hướng trong giai đoạn tới.
Khuyến nghị mua ACB với mục tiêu bứt phá đỉnh ngắn hạn và tiến lên vùng 27.000 đồng/CP. Cắt lỗ nếu giá cổ phiếu xuống dưới 23.500 đồng/CP (cổ phiếu bứt phá không thành công, lui về dưới cả hai đường trung bình ngắn hạn MA20 và MA50).
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu QNS
CTCK Mirae Asset (MASVN)
CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS – UPCoM) là doanh nghiệp phát triển lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là mía đường, sữa đậu nành và các sản phẩm khác. Sở hữu nhà máy đường An Khê với công suất 18.000 TMN/năm và vùng nguyên liệu khoảng 30.000 ha. Đồng thời, QNS còn giữ vị thế dẫn đầu mảng sữa đậu nành tại Việt Nam.
Quý I/2024, QNS ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 2.541 tỷ đồng (tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế đạt 532 tỷ đồng (tăng 68%). Chủ yếu do sản lượng đường tiêu thụ tăng cao (tăng 38%) với doanh thu mảng đường đạt 1.124 tỷ đồng (tăng 51%), doanh thu sản phẩm sữa đậu nành đạt 789 tỷ đồng (giảm 3%). Biên lợi nhuận gộp cải thiện ở mức 32% so với mức 28% quý I/2023 nhờ giá đường tăng.
Mặc dù giá đường thế giới đang trong xu hướng giảm do sản lượng đường tăng mạnh ở Brazil cùng triển vọng nguồn cung toàn cầu được cải thiện. Giá đường trong nước cũng điều chỉnh giảm nhẹ về quanh 20.000 đồng/kg nhưng vẫn neo ở mức cao do nguồn cung nội địa còn hạn chế. Ngoài ra, chính sách quản lý chặt chẽ của chính phủ trong việc kiểm soát lượng đường nhập khẩu và chính sách chống bán phá giá cũng góp phần giúp giá đường trong nước ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá thế giới. Chúng tôi kỳ vọng giá đường sẽ duy trì ở mức 20.000 đồng/kg đến hết niên vụ 2023-2024.
QNS có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía lên 40.000 ha (từ mức 30.000 ha hiện tại) vào niên vụ 2027-2028 bằng cách sẽ tăng 2.000-3.000 ha diện tích trồng mía mỗi năm. Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch nâng công suất nhà máy An Khê lên 20.000 tấn/ngày (từ mức 18.000 tấn/ngày). Việc mở rộng diện tích trồng mía được kỳ vọng sẽ giúp QNS tăng sản lượng và gia tăng doanh thu trong tương lai.
Mảng sữa đậu nành: Chịu ảnh hưởng chung của ngành sữa, sản lượng tiêu thụ sữa quý I/2024 đạt 47 triệu lít (giảm 3%) do nhu cầu tiêu thụ yếu. QNS đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ các loại hạt khác với phân khúc cao hơn và dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong năm nay. Kỳ vọng các sản phẩm mới sẽ là động lực chính thúc đẩy doanh thu mảng sữa khi nhu cầu tiêu thụ được cải thiện hơn từ nửa cuối năm 2024. Ngoài ra, QNS đang mở rộng thị trường xuất khẩu ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, …
Dự phóng và định giá: Năm 2024 chúng tôi dự phóng doanh thu của QNS đạt 10.579 tỷ đồng (tăng 5,6% so với năm ngoái) và lãi ròng đạt 2.307 tỷ đồng (tăng 6%): 1) Mảng đường đạt 4.276 tỷ đồng (tăng 6%); 2) Sản lượng tiêu thụ đường đạt 237 ngàn tấn (tăng 8%); 3) Mảng sữa đậu nành đạt 4.243 tỷ đồng (tăng 5%) 4) Sản lượng sữa đạt 255 triệu lít (tăng 6%) ; 5) Biên lợi nhuận gộp giảm 32,8% do giá đường dự kiến giảm so với cùng kỳ.
Chúng tôi ước tính EPS dự kiến cho năm 2024 đạt 6.464 đồng/cp, tương ứng với mức P/E forward ở mức 7,7 lần. Chúng tôi đánh giá tích cực cho QNS: 1) Vị thế dẫn đầu mảng sữa đậu nành 2) Nguồn cung đường trong nước còn hạn chế 3) Chính sách cổ tức hấp dẫn.
Hà Trần (t/h)