Cụ thể, tới 22h45 (hôm qua 15/8), cổ phiếu VinFast vọt lên trên ngưỡng 29 USD, cao hơn nhiều so với mức giá tham chiếu 10,45 USD hay mức giá mở cửa 17,5 USD/cp.
Tới 23h 09 ngày 15/8 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS lên trên ngưỡng 30 USD/cp, vốn hóa tương đương hơn 69 tỷ USD.
Kết thúc phiên giao dịch 15/8 trên sàn Nasdaq của Mỹ, cổ phiếu VinFast vọt lên trên ngưỡng 37 USD. Với hơn 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của VinFast đạt 85 tỷ USD, vượt Ford, General Motors và nhiều hãng xe danh tiếng.
Đây cũng là doanh nghiệp Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất tính đến hiện tại.
Được biết, Vingroup hiện nắm giữ hơn 51% cổ phần VinFast. Và nếu tính theo tỷ lệ này, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang sở hữu khối tài sản hơn 34 tỷ USD tại hãng xe điện Việt đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ. Con số này gấp khoảng 3 lần so với vốn hóa hiện tại của Vingroup.
Trong vài tuần gần đây, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng mạnh, thêm khoảng 30% và hiện lên trên 70.000 đồng/cp, nhưng vốn hóa chỉ đạt 270 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng hơn 11 tỷ USD).
Mặc dù vốn hóa VinFast tăng mạnh trong phiên chào sàn Nasdaq và có lúc đạt mức hơn 67 tỷ USD nhưng đây là điều khá phổ biến đối với nhiều mã cổ phiếu niêm yết mới trên thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt đối với các mã cổ phiếu công nghệ.
Các cổ phiếu xe điện như Nikola Corp hay Lucid chứng kiến giá tụt giảm sau khi niêm yết thông qua SPAC - một hình thức niêm yết cửa sau (back door listing), hoặc thâu tóm ngược (reverse merger). Giá trị vốn hóa Nikola đã giảm từ mức 13,9 tỷ USSD trước khi niêm yết xuống còn 1,4 tỷ USD, trong khi Lucid giảm từ mức 24 tỷ USD khi niêm yết thông qua một hợp đồng SPAC năm 2021 xuống mức 15,5 tỷ USD như hiện tại.
Minh An(T/h)