Nga Sơn là vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hoá 40km về hướng Ðông Bắc. Với 8 xã nằm dọc bờ biển là một vùng triều mầu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, mảnh đất này chỉ trồng được một loại cây duy nhất là cói, dệt nên chiếu Nga Sơn - niềm kiêu hãnh của vùng quê này.

Với lợi thế của các xã nằm dọc bờ biển tạo thành một vùng triều mầu mỡ, ngoài các loại cây trồng ngập mặn, cói được xem là loại cây đủ khả năng thích ứng, sinh trưởng và phát triển tốt với thổ nhưỡng của huyện ven biển Nga Sơn. Huyện Nga Sơn được ví như thủ phủ cói của xứ Thanh. Ở hầu hết các xã ven biển của huyện, người dân chủ yếu sống từ nghề trồng cói.

Thương hiệu cói Nga Sơn

Trải qua hàng trăm năm, cói Nga Sơn vẫn khẳng định được vị thế trên thị trường và tạo nên thương hiệu riêng cho vùng đất này.

Một năm, người nông dân Nga Sơn trồng 2 vụ gồm cói vụ chiêm thu hoạch từ tháng 6-7 và cói vụ mùa thu hoạch vào tháng 10-11.

Trồng cói, chăm sóc cói đã vất vả nhưng thu hoạch cói cũng vất vả không kém và mất rất nhiều thời gian bởi sau khi cắt cói bằng những chiếc liềm chuyên dụng, người nông dân sẽ gom cói thành những bó vừa tay để giũ cho sạch cỏ, rác hoặc những sợi chết khô và chỉ để lại những sợi cói tươi xanh, sau đó sẽ phân loại những sợi dài, ngắn khác nhau. Những sợi cói dài và còn tươi sẽ được chặt gọn phần gốc, phần ngọn.

Sau đó, người dân bắt đầu chẻ cói. Đây là công đoạn rất quan trọng, mất nhiều thời gian và công sức bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ. Thường cây cói sẽ được chẻ làm 2 mảnh rồi mới đem phơi ngay trên những ruộng vừa thu hoạch xong.

Cói có thể được phơi thẳng hàng hoặc phơi theo hình dẻ quạt. Thời tiết nắng nóng như thời điểm này rất thích hợp cho việc thu hoạch cói, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều là cói sẽ khô, lên màu rất đẹp.

Cói có thể được phơi thẳng hàng hoặc phơi theo hình dẻ quạt
Cói có thể được phơi thẳng hàng hoặc phơi theo hình dẻ quạt. (Ảnh: Hà Trần)

Công việc của người nông dân trong vụ thu hoạch cói diễn ra từ sáng sớm tinh mơ cho đến tối muộn. Những hôm thời tiết nắng nóng, người dân nơi đây phải thức dậy từ 2h sáng, tranh thủ ra đồng đi cắt cói để tránh nắng. Đến lúc nắng lên là có thể phơi cói trên đồng, chiều mát là có thể thu hoạch cói thành phẩm để nhập cho các đại lý...

Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng cói sẽ tiếp tục chăm sóc bằng cách làm cỏ, bón phân, cây sẽ mọc trở lại và nhanh phát triển cho vụ tiếp theo.

Đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu cùng với tập quán canh tác là những yếu tố góp phần tạo ra thương hiệu riêng của cói Nga Sơn. Thương hiệu đó đang ngày càng được bồi đắp, củng cố một cách bền vững, nhất là khi cói Nga Sơn chính thức được Nhà nước bảo hộ thương hiệu. Cói Nga Sơn nổi tiếng là sợi nhỏ, dai, óng mượt. Ðiều đặc biệt ít có nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này. Dù không phải địa phương duy nhất trồng cói nhưng Nga Sơn là vựa cói lớn nhất nước, từ lâu nơi đây đã được coi là "Vương quốc cói".

Bên cạnh chiếu cói Nga Sơn truyền thống, hiện đã có không ít những sản phẩm mỹ nghệ từ cói thu hút thị hiếu của khách hàng. Hiện nay, các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã chinh phục phần đông khách hàng. Nhiều gia đình trồng cói, làm cói đã khấm khá, giàu có lên từ cói.

Ngày nay, nhờ có sự quan tâm, đầu tư, khuyến khích, nghề cói ở huyện Nga Sơn vẫn được kế thừa và phát triển. Cây cói được trồng trên địa bàn 8 xã Nga Thanh, Nga Liên, Nga Tiến, Nga Thủy, Nga Tân…Người dân quanh vùng thu hoạch về để sản xuất các loại vật dụng hằng ngày như: Ró, bị, đệm… Nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cây cói, người dân nơi đây phải vất vả "tái sinh" cây cói bằng cách trồng lại với kĩ thuật, cách thức chăm bón vô cùng khó nhọc, kì công.

Nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói

Sự phát triển của các làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là nghề cói đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện Nga Sơn theo hướng tích cực, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, tăng thu nhập cho người dân, tạo ra nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và chế biến sản phẩm từ cói, trong những năm qua, huyện Nga Sơn đã khuyến khích các hộ kinh doanh đầu tư để mua trang thiết bị mới phục vụ cho hoạt động sản xuất, cải tạo máy móc nhằm nâng cao năng suất lao động. Nhờ có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn đã tích cực tham gia nhiều triển lãm, hội chợ trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng., tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã chinh phục phần đông khách hàng
Các sản phẩm từ cói của Nga Sơn đã chinh phục phần đông khách hàng.

Một số cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm từ cói bước đầu tạo dựng được uy tín, thương hiệu hàng hóa của mình đối với người tiêu dùng trong nước và từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới như: Mỹ, Tây Ban Nha, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Hiện nay, những sản phẩm được chứng nhận OCOP từ nhóm hàng tiêu thủ công nghiệp chiếu cói, hàng mỹ nghệ từ cói hầu hết đang xuất khẩu tại nhiều Quốc gia trên Thế giới, các sản phẩm này được tiêu thụ rất tốt. Trong đó phải kế đến các sản phẩm như: Giỏ trái đất, Đôn cói Việt Trang của (Công ty TNHH xuất khẩu Việt Trang); Bộ rổ cói 3 chiếc, Bình hoa bằng cói, Khay đựng rau, quả Việt Anh, Đĩa đựng rau Salad Việt Anh, Đĩa cói trang trí Việt Anh được sản  xuất tại (Công ty Cổ phần sản xuất chế biến cói xuất khẩu Việt Anh); những sản phẩm này đều đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.

Trong thời gian tới, để phát triển, khẳng định uy tín thương hiệu cói Nga Sơn, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cần tiếp tục cải tiến để sản xuất ra những sản phẩm với đa dạng mẫu mã, có tính ứng dụng cao nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, nhất là phân khúc khách quốc tế. Đồng thời, thu hút nguồn nhân công chất lượng cao về làng nghề và nâng cao năng lực cho các nghệ nhân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại dưới hình thức hội chợ, triển lãm, du lịch, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trên địa bàn được giao lưu, gặp gỡ và mở rộng mạng lưới hợp tác, từ đó học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong làm nghề. Thông qua những sự kiện như vậy, làng nghề cói có dịp được quảng bá sản phẩm đến đông đảo khách du lịch, từng bước khẳng định vị thế trên trường.

Hà Trần