Hội thảo quy tụ hơn 70 đại biểu đến từ cơ quan hải quan, các bộ ngành và cộng đồng doanh nghiệp để thảo luận về kế hoạch hành động này. 

Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh là cảng container nhộn nhịp nhất tại Việt Nam và có sức ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương xuất nhập khẩu. 

Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh là cảng container nhộn nhịp nhất tại Việt Nam và có sức ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương xuất nhập khẩu
Cảng Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh là cảng container nhộn nhịp nhất tại Việt Nam và có sức ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giao thương xuất nhập khẩu. (Ảnh: Internet)

Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 4,9 triệu container 20 feet (TEU) được xếp dỡ tại TP. Hồ Chí Minh, tương đương khoảng 3 triệu xe tải, hoặc hơn 8.000 xe tải mỗi ngày qua lại trong và xung quanh thành phố để xếp dỡ container từ khu vực cảng. Cảng Cát Lái xử lý hơn 92% khối lượng này và chiếm khoảng 50% tổng khối lượng container của cả nước. Ngoài ra, xe phải xếp hàng 2-3h trước khi vào cảng, gây ách tắc giao thông xung quanh và dọc theo những tuyến đường dẫn vào cảng.

Nhu cầu giải quyết ùn tắc ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi thương mại quốc tế dần phục hồi. Ước tính khối lượng container qua cảng Cát Lái sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Điều này sẽ tạo áp lực khổng lồ lên hệ thống và hạ tầng hiện nay.

Tại hội thảo, các đơn vị chức năng liên quan đã công bố 21 khuyến nghị được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cảng Cát Lái để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cảng Cát Lái đã hoạt động hết công suất, trong khi đó nhu cầu tính theo lượng container được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030.

Được biết, 21 khuyến nghị trên là kết quả của nghiên cứu tiền khả thi về chống ùn tắc và tạo thuận lợi trong hoạt động logistics tại cảng Cát Lái được thực hiện bởi Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ từ tháng 5/2020 đến tháng 3/2021. 

Nghiên cứu đã xem xét một cách toàn diện các hoạt động của cảng trên diện tích 160ha nhằm đánh giá hiệu quả vận hành, các điểm nghẽn và vướng mắc trong quá trình tăng cường năng lực xếp dỡ của cảng.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã đưa ra kế hoạch hành động để chính quyền và các cơ quan hữu quan tại địa phương cân nhắc. Những khuyến nghị này bao gồm từ việc tận dụng các giải pháp công nghệ thông tin để tăng cường luồng thông tin và thông quan hàng hóa đến việc bố trí hoặc mở rộng hạ tầng cảng và cải thiện hiệu suất hoạt động.

Ngoài ra, thông qua dự án nghên cứu này, USAID đang phối hợp với Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải để xem xét những lĩnh vực có khả năng hợp tác công-tư, một phương thức hiệu quả để huy động đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn.

Ông Mai Xuân Thành – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, khi thương mại quốc tế dần phục hồi sau tác động của Covid-19 thì việc giải quyết ùn tắc tại cảng Cát Lái lại càng được ưu tiên. Các giải pháp chống ùn tắc đã được nghiên cứu và trình bày tại hội thảo hôm nay khi được triển khai sẽ tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới.

Đồng quan điểm, bà Ann Marie Yatishock - Giám đốc USAID Việt Nam cũng đánh giá, giảm bớt tắc nghẽn tại các cảng của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi thương mại dần phục hồi hậu Covid-19. Nghiên cứu tiền khả thi tại cảng Cát Lái do USAID thực hiện đã đề xuất một kế hoạch hành động cho cảng nhộn nhịp nhất Việt Nam này với mục tiêu giúp cảng có thể xử lý lượng container dự kiến sẽ tăng cao. “Nỗ lực này tái khẳng định cam kết của USAID trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, bà Ann Marie Yatishock khẳng định.

 Nguyễn Tùng