Hàng triệu công nhân lao động nghèo, các hộ kinh doanh cá thể và những hoàn cảnh khó khăn chịu tác động do dịch bệnh Covid 19 gây ra khi sản xuất bị đình đốn, phải nghỉ việc hoặc giãn việc chưa biết đến bao giờ... Mọi khó khăn, trăn trở vơi đi phần nào khi Chính phủ đang lên phương án hỗ trợ các đối tượng này.

Căn phòng trọ 14m2 nằm sâu trong các ngõ nhỏ khúc khuỷu ở tổ 18 phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội của bà Trần Thị Hồng, quê ở tỉnh Nghệ An hôm nay rộn rã hơn hẳn so với mọi ngày. Gia đình bà Hồng rất phấn khởi vì sắp được Chính phủ hỗ trợ lúc khó khăn.

“Tôi thuê trọ mất 1,2 triệu một tháng, có 3 mẹ con ở với nhau, 2 đứa kia đi làm công ty. Nay chúng nó nghỉ ở nhà hết vì công ty không có việc gì. Nay biết thông tin sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, chúng tôi yên tâm hơn về cuộc sống rất nhiều giữa mùa dịch này", bà Hồng chia sẻ.

Dù cắt giảm mọi chi phí sinh hoạt cho gia đình xuống mức thấp thì chị Hà (một công nhân ngành in ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn rất chật vật để cân đối chi tiêu trong gia đình. Chồng chị làm phục vụ cho một nhà hàng gần nhà, nay nhà hàng đóng cửa phải nghỉ việc. Cả tháng nay, chị Hà vẫn túc tắc làm vài ngày lại nghỉ vài ngày, mới đây công ty thông báo nghỉ việc, chờ tới khi có thông báo tiếp thì đi làm.

“Tôi làm ngành in sản xuất giấy vở cho các cháu đi học hiện nay các cháu nghỉ học mãi thế thì làm sao bán được hàng. Mà sách vở công ty đã hoàn thành hết việc năm nay rồi nên cố lắm cũng chỉ được 10 ngày nữa là không còn việc gì để làm. Giờ được hỗ trợ đồng nào hay đồng đấy chứ dịch chung, cả thế giới bị chứ riêng gì nước mình đâu. Mình cố làm sao vun vén để chi tiêu cho hợp lý”, chị Hà nói.

Anh Nguyễn Văn Sức (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Công nhân đều phải chờ vào lương, giờ nghỉ không lương chẳng có tiền mà chi tiêu. Mua gì cũng phải dè dặt, mọi thứ đều giảm bớt đi vì làm ăn kém hơn, cuộc sống khó khăn hơn. Giờ Nhà nước hỗ trợ, quan tâm như thế chúng tôi bớt khó khăn hơn”.

Theo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tháng 4 sẽ có hơn 30% lao động của ngành thiếu việc làm. Trong tháng 5 và tháng 6, việc cam kết nhận hàng của các khách hàng chưa rõ ràng nên có thể số lao động sẽ gặp khó khăn lên tới hơn 50%. Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam mong muốn gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng được đưa vào thực thi để gỡ khó cho các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn lúc này.

“Đối với doanh nghiệp hiện nay, từng tuần từng ngày đều rất nóng, với các vấn đề về lao động và tiền lương. Trong khi nếu chưa có chỉ đạo đến tận cơ sở thì việc tiếp tục phải thu các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hay công đoàn phí vẫn diễn ra, đây là khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Trường nói.

Sự đồng hành kịp thời, kịp lúc và hiệu quả của Chính phủ qua các chính sách đang thực thi đã tiếp sức rất lớn cho người lao động, đặc biệt là những người không có tích lũy, kiếm sống qua ngày, nhiều đối tượng khó khăn khác do dịch bệnh. Điều đó còn giúp người dân thêm vững tin và quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chính phủ đang tính toán để hỗ trợ những lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương khiến nhiều lao động cảm thấy yên tâm hơn.

Những lao động tự do không có hợp đồng lao động theo dự kiến cũng được hỗ trợ. Ngoài ra, các đối tượng là hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019 cũng được đề xuất hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, từ tháng 4 - 6/2020.

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid 19 đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn của người dân, đặc biệt là công nhân lao động nghèo, những người không có tích lũy.

Bích Ngọc