Đặc biệt các loại hàng hoá có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng như: thuốc lá, rượu, hàng tiêu dùng, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, đông dược; các mặt hàng thời trang giả các nhãn hiệu nổi tiếng như quần áo, giày dép, túi ví, valy, đồng hồ đeo tay; các mặt hàng bách hóa, điện, điện tử đồ gia dụng, máy móc thiết bị, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật … kém chất lượng, không có công bố hợp quy, sai quy định về nhãn mác, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Hàng hóa là các mặt hàng được người tiêu dùng bình chọn là “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại Việt Nam nhưng lại được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc nhằm mục đích lừa dối người tiêu dùng.
Đối tượng trọng điểm là các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu theo loại hình kinh doanh, gia công sản xuất xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm nêu trên có nguồn gốc từ Trung Quốc, Malaysia, Philipin, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Kông; doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu theo các loại hình tạm nhập - tái xuất, quá cảnh, kinh doanh các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người; các doanh nghiệp đã bị xử lý về hành vi khai báo sai tên hàng, xuất xứ, nhập khẩu hàng hóa không khai báo; các tổ chức, cá nhân thường xuyên nhập khẩu theo loại hình phi mậu dịch các loại hàng hóa trọng điểm qua tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh.
Các địa bàn trọng điểm là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội và Hải Phòng, các khu vực thuộc Hà Tĩnh (cửa khẩu Cầu Treo), Quảng Trị (cửa khẩu Lao Bảo) và Đà Nẵng, các tỉnh thuộc tuyến biên giới Tây Nam, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phương thức thủ đoạn chủ yếu các đối tượng sử dụng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là lợi dụng việc phân luồng miễn kiểm tra thực tế hàng hóa để gian lận về số lượng, chủng loại; khai sai, không khai báo trên tờ khai nhãn hiệu của hàng hoá nhập khẩu; nhập lậu qua các đường mòn, lối mở; trà trộn hàng hoá vi phạm và hàng hoá không vi phạm với nhau, khai báo trị giá thấp để trốn thuế.
Đối với hàng hóa quá cảnh thì lợi dụng khai báo theo thủ tục đơn giản để không khai nhãn hiệu mà chỉ khai báo chung là quần áo, giày dép nhằm vận chuyển hàng giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng. Các đối tượng lợi dụng việc không phải khai thông tin trước về hàng hóa để tập kết hàng hóa tại cửa khẩu biên giới đường bộ chờ vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá,…(các mặt hàng tiêu dùng, hàng bách hóa, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, linh kiện xe đạp, xe máy,… nhập khẩu); tự ý tiêu thụ hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất).
Với vai trò là đơn vị được Tổng cục Hải quan giao chủ trì về công tác kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Cục Điều tra chống buôn lậu đã áp dụng thực hiện có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan trong hoạt động kiểm soát chống buôn lậu hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hàng năm, Cục Điều tra chống buôn lậu đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng các kế hoạch để chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành về công tác chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm triển khai thực hiện đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, bám sát tình hình thực tế công tác và yêu cầu nhiệm vụ được giao; đồng thời chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc được tình hình địa bàn để xác định trọng điểm, xây dựng các kế hoạch bắt giữ đạt hiệu quả.
Kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý của ngành Hải quan về hành vi vi phạm liên quan đến vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (thời điểm từ 01/01/2016 đến 31/12/2021) như sau:
Năm | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 |
Số vụ vi phạm | 20 | 18 | 36 | 41 | 81 | 60 |
Trị giá (Triệu đồng) | 3.407 | 23.166 | 16.958 | 59.188 | 643.464 | 61.326 |
Trần Mạnh