Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, Vũ Trọng Quế
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, Vũ Trọng Quế báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Nam Định

Theo Giám đốc Vũ Trọng Quế, sau 3 năm triển khai thực hiện, công tác chuyển đổi số trên địa bàn  theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đạt nhiều kết quả quan trọng - khẳng định tầm nhìn chiến lược, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương, mỗi người dân và các doanh nghiệp công nghệ số, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.

Theo đó, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số của Nam Định được đầu tư, phát triển hiện đại, đồng bộ từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống thông tin, phần mềm, dịch vụ số dùng chung của Nam Định được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đến các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử.

Công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân.

Công tác đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật kỹ năng số cho các cơ quan, đơn vị, người dân được triển khai đẩy mạnh. Công tác xây dựng chính quyền điện tử hướng tới phát triển chính quyền số đạt nhiều kết quả nổi bật. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đều đạt hoặc vượt so với yêu cầu của Nghị quyết số 17/NQ-CP, Quyết định số 749/QĐ-TTg; Quyết định số 942/QĐ-TTg; Quyết định số 411/QĐ-TTg; Nghị quyết số 09-NQ/TU; chỉ số xếp hạng chuyển đối số (DTI Index) của tỉnh được Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) xếp hạng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Chỉ tiêu thành phần về xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số trong bộ chỉ số cải cách hành chính (Par Index) Nam Định được Bộ Nội vụ sếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân doanh nghiệp về thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia luôn đứng trong Top 10 tỉnh dẫn đầu trên toàn quốc, trong đó có nhiều tháng, nhiều quý.

Bên cạnh đó, kết quả triển khai thực hiện Đề án 06 tỉnh Nam Định được đánh giá là điểm sáng trên toàn quốc. Nam Định là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu của toàn quốc về triển khai thực hiện, góp phần tích cực thúc đẩy tiến trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, trong đó nổi bật như: Nam Định là một trong trong 10 tỉnh, thành phố đầu tiên hoàn thành việc kết nối và khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; là một trong bốn địa phương dẫn đầu toàn quốc về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nhóm dịch vụ công liên thông: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí. Kinh tế số của Nam Định tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó Nam Định được Bộ Công Thương đánh giá là một trong những điểm sáng về triển khai thương mại điện tử, hiện nay tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ của tỉnh ước đạt khoảng 10% (xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố về phát triển thương mại điện tử).

Phát triển xã hội số đạt nhiều kết quả nổi trội, địa phương hoàn thành việc kích hoạt hơn 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử (đạt 156% chỉ tiêu Bộ Công an giao) - là tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu toàn quốc về triển khai các tiện ích phục vụ phát triển công dân số. Đặc biệt, kết quả phát triển xã hội số đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, Nam Định đã có 18 xã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nổi trội về chuyển đổi số và huyện Giao Thủy đang định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục.

Quang cảnh giao ban báo chí Nam Định tháng 3
Quang cảnh giao ban báo chí Nam Định tháng 3

Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, Vũ Trọng Quế, thời gian quan công tác chuyển đổi số của Nam Định có nhiều thuận lợi, đó là: Cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển. Nam Định đang chú trọng đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, giúp tạo nền tảng thuận lợi cho việc triển khai các chương trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. 

Nam Định có các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và khả năng nghiên cứu khoa học, công nghệ, để phục vụ cho các lĩnh vực đột phá như khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Môi trường phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp. Nam Định có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang dần chuyển mình trong việc ứng dụng công nghệ mới và các mô hình kinh doanh sáng tạo. Điều này đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Giám đốc Vũ Trọng Quế nhấn mạnh: “Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ; UBND tỉnh Nam Định tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế đủ mạnh, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học để tăng cường, đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cũng như trong cả nước.

UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành triển khai nhiều hoạt động, nhằm kết nối hoạt động nghiên cứu, ứng dụng giữa các trường với doanh nghiệp trên địa bàn. Thông qua các cuộc hội thảo chuyên đề, các cuộc đối thoại trực tiếp, để các doanh nghiệp nêu rõ nhu cầu của mình để các nhà trường hỗ trợ; đồng thời, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, nhằm hỗ trợ các dự án đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ của các trường cho các doanh nghiệp. Gợi ý, định hướng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của các trường, gắn với việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khuyến khích các nhà trường nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu giải quyết những công việc của địa phương”.

Bên cạnh đó, Nam Định cũng chủ động liên hệ với các doanh nghiệp cùng tham gia hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, để nâng cao tính ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.

Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 20/12/2022 của UBND tỉnh Nam Định về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các cấp, các ngành trên địa bàn tổ chức thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, nhằm hỗ trợ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định, như: Xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh với tên miền: https://khoinghiepdmst.namdinh.gov.vn và các kênh truyền thông riêng trên các nền tảng mạng xã hội Fanpage; Youtube, Tiktok. Tổng lượng like, share, view và tương tác trên tất cả các nền tảng lên tới 100 nghìn lượt tương tác và truy cập. Phát sóng các chuyên mục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên Đài phát thanh truyền hình Nam Định và nhiều tin bài về hoạt động Techfest, đào tạo, tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Công tác phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng được Nam Định quan tâm, chú trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân lực được Nam Định đặc biệt quan tâm. UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông (nay là Sở Khoa học và Công nghệ) tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số - phấn đấu đến năm 2030 Nam Định trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững.

Nguyễn Kiên