Thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, việc chuyển đổi số được triển khai rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (quản lý kỹ thuật, vận hành, tài chính, mua bán điện, chăm sóc khách hàng,…) của ngành điện, đáp ứng dần lộ trình chuyển đổi số theo chủ trương của Chính phủ cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra. Ban chỉ đạo chuyển đổi số Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đang nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi và từng bước áp dụng, tiến tới làm chủ công nghệ trong công tác điều khiển lưới điện trung thế 35kV, 22kV.
PC Quảng Ninh đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc triển khai áp dụng thí điểm điều khiển tự động cho đường dây 35kV lộ 371 E5.19 Quảng Hà - 373 E5.6 Tiên Yên và đường dây 22kV lộ 472 E5.22 Cẩm Phả 2 - 478 E5.5 Cẩm Phả. Đây là các đường dây trung thế nối lưới khu vực Tiên Yên - Hải Hà, Cẩm Phả. Khi vận hành thành công tự động mạch vòng này sẽ giảm thiểu thời gian tạm ngừng cấp điện khu vực do sự cố hay phân đoạn xử lý khi có sự cố, hoặc công tác trên lưới điện do việc đóng cắt các máy cắt, cầu dao phụ tải trên đường dây sẽ được thực hiện tự động hoàn toàn theo phương thức/kịch bản cấp điện đã lập trình sẵn.
Phó giám đốc Công ty Phạm Đình Chấn cho biết: Trong quá trình triển khai đã gặp không ít khó khăn do đây là lĩnh vực mới, từ khâu xem xét, đánh giá, lựa chọn đường dây trung thế phù hợp tiêu chí nhất có thể đến khâu cải tạo đường dây đảm bảo các tiêu chí điều khiển từ xa, tự động hóa đóng cắt các máy cắt, cầu dao phụ tải trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, lập phương án/kịch bản chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện đột phá, thành công, ban lãnh đạo PC Quảng Ninh và các bộ phận chuyên môn phối hợp với nhà thầu thi công đã khắc phục khó khăn đưa vào vận hành chạy thử nghiệm mạch vòng trung áp (DMS) khu vực Cẩm Phả, Quảng Hà, Tiên Yên. Qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trên các đường dây trung thế khác, tiến tới hoàn thiện lưới điện thông minh khu vực tỉnh Quảng Ninh theo định hướng, tiến độ cấp trên giao.
Việc triển khai áp dụng tự động hóa mạch vòng trung thế (DMS) có ý nghĩa quan trọng, mở đầu cho công cuộc chuyển đổi số trên lưới điện trung áp, hướng gần đến mục tiêu lưới điện thông minh mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc định hướng phát triển, đánh dấu bước đột phá về công nghệ và tư tưởng đổi mới, bắt kịp thời đại cách mạng công nghệ 4.0 của Ban Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh trong mô hình sản xuất kinh doanh kiểu mới, tiến lên hiện đại, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu thời gian ngừng cung cấp điện, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.
Vũ Việt Hồng