Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 sử dụng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn CFB, sử dụng nhiên liệu than, công nghệ đốt hiện đại, đảm bảo các chỉ tiêu cao về độ sẵn sàng, hiệu suất, tính ổn định, an toàn và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường do áp dụng các phương pháp lọc bụi, khử NOx và SOx thông qua các thiết bị hiện đại và tiên tiến nhất hiện nay.
Tổng công suất của Nhà máy là 1.080MW, gồm 02 tổ máy, mỗi tổ máy 540MW. Sản lượng điện hàng năm khoảng 6,5 tỷ kWk, phát lên lưới điện Quốc gia thông qua đường dây 500kV mạch kép Mông Dương - Quảng Ninh, Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh. Đây là một trong những công trình điện cấp bách nằm trong Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia đảm bảo cung cấp điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông - Bắc Việt Nam nói chung.
Thực hiện chủ đề năm 2021 của EVN là “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, triển khai các nội dung chuyển đổi số theo nhiệm vụ EVN giao và kế hoạch chung của EVNGENCO 3, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đã và đang triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Hiện tại, Công ty Nhiệt điện Mông Dương đang áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin như: Phần mềm nhật ký vận hành điện tử (được đưa vào sử dụng năm 2018), thay thế cho hệ thống nhật ký vận hành viết tay. Thông số vận hành trong ca trên phần mềm được tự động đồng bộ sang phần mềm PMIS; Hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS đang được sử dụng khai thác các module ứng dụng để điều hành quá trình sản xuất điện, từng bước triển khai áp dụng theo lộ trình của EVNICT; Hệ thống Scada Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương đang sử dụng giao thức mới có tên gọi IEC60870-5-104, giúp cho việc phối hợp kiểm tra khi tín hiệu Scada bị lỗi thông qua mềm hóa giúp thuận lợi không phụ thuộc nhiều vào việc phối hợp sửa chữa của điều hành toàn quốc EVNICT.
Công ty cũng đã và đang hoàn thiện chuyển đổi số tổng thể: Văn phòng số; Hồ sơ điện tử; Số hóa quy trình nghiệp vụ, hệ thống báo cáo quản trị điều hành; Ứng dụng nhật ký điện tử, chữ ký số; Số hóa tài sản; Quản lý kho vật tư trên môi trường số,... phục vụ công tác trong các lĩnh vực quản trị, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng đến doanh nghiệp số theo định hướng phát triển của Tập đoàn/Tổng Công ty.
Số hóa dữ liệu là một trong những công việc đầu tiên mang tính chất quyết định cho sự thành công của công cuộc chuyển đổi số. Công ty đang xây dựng và triển khai số hóa dữ liệu với mục tiêu “một hạ tầng, một cơ sở dữ liệu”, thống nhất trong toàn Công ty với nền tảng hạ tầng chung, thu thập dữ liệu của tất cả hệ thống hoạt động, quản trị cơ sở dữ liệu để phân tích hoạt đông sản xuất của Công ty. Chuẩn hóa, làm giàu cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh thu thập, khai thác, phân tích dữ liệu và kết nối với các hệ thống điều khiển/giám sát/vận hành để nâng cao giá trị dữ liệu của Công ty, đáp ứng mục tiêu của chuyển đổi số.
Trong công tác quản lý, điều hành, Công ty đang xây dựng hệ thống quản trị sản xuất thông minh cho toàn Công ty với các công cụ phân tích thông minh trong công tác quản lý kỹ thuật, giúp Nhà máy vận hành an toàn, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí. Hệ thống phần mềm quản trị sẽ được thống nhất, xuyên suốt tạo điều kiện tổng hợp, phân tích, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh đến lãnh đạo, Ban giám đốc và các Phòng/ Phân xưởng của Công ty.
Trong công tác vận hành, Công ty đang xây dựng giải pháp số hóa và chuyển đổi số, ứng dụng công nghiệp 4.0 phù hợp với định hướng giải pháp áp dụng cho nhà máy. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được EVN/EVNGENCO3 công nhận.
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo mô hình số hóa & chuyển đổi số tại Công ty Nhiệt điện Mông Dương bước đầu đã mang lại nhiều thay đổi tích cực trong các hoạt động, giúp giảm chi phí, tăng kết nối và dễ dàng phối hợp công việc, tạo ra môi trường công tác thuận lợi, hướng tới mục tiêu xây dựng ''nhà máy số'', “Con người số” theo định hướng của EVN và EVNGENCO3 đã đề ra.
PV