THCL- Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị Thanh ở Đông Hưng (Thái Bình), do có nhu cầu đi xuất khẩu lao động nên chị Thanh đã tìm hiểu và được giới thiệu đến Công ty CP Đào tạo và Cung ứng Nhân lực Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng), địa chỉ tại số 09-TT27, KĐT Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội; GĐ là ông Phạm Ngọc Hổ) để đăng ký và làm thủ tục tuyển dụng đi lao động nước ngoài.
Người trực tiếp trao đổi và làm việc với chị Thanh là bà Huế, nhân viên Công ty Lạc Hồng. Bà Huế đưa cho chị Thanh 2 văn bản của Công ty Lạc Hồng có nội dung về Quy trình lao động – hồ sơ chuẩn bị sau trúng tuyển và quy trình du học.
Theo nội dung Bản quy trình du học, gồm có: Chi phí đào tạo tiếng Nhật học phí là 7.000.000 đ/khóa; phí nhà ở và điện nước 500.000 đ/tháng. Quy trình du học phí dịch vụ là 45.000.000 đ, gồm đăng ký chương trình du học – nhập học (tổng phí nhập học là 9.200.000 đ) - tư vấn chọn trường (đóng cam kết tham gia chương trình 10.000.000 đ) – đỗ tư cách lưu trú (hoàn thiện phí dịch vụ 30.000.000 đ) – nhận visa, vé máy bay xuất cảnh.
Quy trình lao động – hồ sơ chuẩn bị sau khi trúng tuyển, có nội dung: Chi phí đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam 1.000.000 đ/tháng; quy trình đăng ký (trực tiếp hoặc qua điện thoại) – đào tạo trước trúng tuyển – chọn đơn hàng (đóng cam kết thi tuyển 10.000.000 đ) – thi tuyển – đào tạo sau trúng tuyển – nhận visa, vé máy bay, xuất cảnh.
Bà Huế cho biết, Công ty Lạc Hồng đang có 2 đơn hàng đi xuất khẩu sang Nhật Bản với ngành nghề chế biến thực phẩm thủy sản không gia nhiệt và nhựa ô tô. Nếu chị Thanh đi xuất khẩu hay đi du học, đều phải nộp trước một khoản phí là 10.000.000 đ tiền cam kết thi tuyển đơn hàng.
Theo giải thích của bà Huế với chị Thanh, số tiền cam kết thi tuyển đơn hàng này là để giữ chỗ, bảo đảm rằng người đi xuất khẩu lao động sau khi đăng ký đi lao động với Công ty Lạc Hồng sẽ bắt buộc phải thi tuyển chứ không được bỏ. Liệu rằng ở đây, có dấu hiệu chiếm dụng vốn hay không?
Sau khi nghe bà Huế trao đổi, Chị Thanh đã về và tham khảo ý kiến của gia đình. Ngày 28/12/2106, chị Thanh trở lại Công ty Lạc Hồng để đăng ký đi xuất khẩu lao động theo 2 đơn hàng mà Công ty Lạc Hồng đang có.
Thực hiện theo đúng yêu cầu của bà Huế trước đó, chị Thanh đã mang đầy đủ 10.000.000 đ tiền phí cam kết thi tuyển đơn hàng và đăng ký đi xuất khẩu lao động theo 2 đơn hàng của Công ty Lạc Hồng.
Chị Thanh có đề nghị Công ty Lạc Hồng xuất phiếu thu của công ty thì được bà Huế cho biết, Công ty Lạc Hồng không làm về xuất khẩu lao động, mà chỉ làm về dịch vụ du học. Công ty Lạc Hồng sẽ kết hợp với một công ty khác để đưa người đi xuất khẩu sang Nhật Bản. Do vậy, Công ty Lạc Hồng không thể xuất hóa đơn thu tiền mang tên Công ty Lạc Hồng được, mà là Công ty UDIC có đơn hàng ngành nghề nhựa ô tô và và VINAMEX có đơn hàng chế biến thực phẩm thủy sản không gia nhiệt cho chị Thanh.
Điều đáng nói, trong toàn bộ quá trình giao dịch, tư vấn, đăng ký đi lao động và nộp tiền, chị Thanh chỉ làm việc với Công ty Lạc Hồng, chứ không hề được gặp và làm việc với 2 công ty kia. Vậy không lấy gì làm căn cứ để bảo đảm quyền lợi của chị nếu có tranh chấp xẩy ra thì Công ty Lạc Hồng sẽ phải là đơn vị trực tiếp giải quyết mọi quyền lợi cho chị.
Trấn an tinh thần cho chị Thanh, bà Huế cho biết sẽ lấy tư cách cá nhân của mình để bảo đảm việc đăng ký đi lao động tại Công ty Lạc Hồng sẽ không gặp bất kỳ sự rủi ro nào vì đều là “người thân” của bà Huế cả. Không thực sự tin tưởng với cách giải thích này, chị Thanh đã không nộp tiền để đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Nhật Bản mà Công ty Lạc Hồng cung cấp.
Trao đổi với phóng viên, chị Thanh cho biết rất nghi ngờ về tính pháp lý của Công ty Lạc Hồng trong việc đưa người đi lao động nước ngoài. Chị đặt câu hỏi: Tại sao Công ty Lạc Hồng không nói rõ cho người lao động được biết về chức năng của mình?.
Tại sao Lạc Hồng không đưa ra những văn bản có tính pháp lý về việc phối hợp và sự cho phép của các cơ quan chức năng đối với Lạc Hồng để tuyển dụng đưa người lao động đi nước ngoài một cách minh bạch?
Chị Thanh cũng muốn cảnh báo cho những gia đình đang muốn cho con, em, người thân đi XK LĐ hãy cảnh giác để tránh "tiền mất tật mang".
Có thể thấy, việc Công ty Lạc Hồng sử dụng đơn hàng của 2 công ty khác để tổ chức tư vấn, tổ chức thi tuyển và thu tiền cam kết thi tuyển mà không cung cấp các giấy tờ hợp lệ cho người lao động là có dấu hiệu của sự vi phạm khoản 2 và 6 của Điều 7 - Luật số 72 về Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng - được Quốc Hội khóa 11 ban hành ngày 29/11/2006.
Tại khoản b, mục 2 Điều 27 Quyền và nghĩa vụ của doang nghiệp dịch vụ trong luật này nêu rõ: Trực tiếp tuyển chọn người lao động và không được thu phí tuyển chọn của người lao động. Khi tuyển chọn lao động tại địa phương, doanh nghiệp phải thông báo với sở Lao động - thương binh và xã hội; định kỳ sáu tháng, một năm báo cáo sở lao động - thương binh và xã hội về kết quả tuyển chọn và số lượng người lao động của địa phương đã được đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Việc phản ánh của chị Thanh với cơ quan báo chí về sự mập mờ của Công ty Lạc Hồng là có cơ sở. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để điều tra và làm rõ những uẩn khúc tại Công ty Lạc Hồng; nếu có dấu hiệu vi phạm cần ngăn chặn và xử lý nghiêm để những người lao động có nhu cầu không bị mắc bẫy.
Nhóm PV