Thành phố Aarschot của Bỉ đã hoàn thành việc tiêm chủng cho 94% dân số trưởng thành, nhưng Thị trưởng Gwendolyn Rutten vẫn tỏ ra lo ngại vì khu vực này quá gần thủ đô Brussels – nơi có tỷ lệ tiêm chủng là 63%.  Tuy vậy, bà Gwendolyn Rutten không thể làm được gì nhiều ngoài việc hy vọng chính phủ ban hành quy định bắt buộc.

“Nếu không thực hiện điều đó, bạn sẽ kéo tất cả những người khác vào vòng nguy hiểm”, bà Rutten cho biết trong một cuộc phỏng vấn thời gian gần đây.

Nhân viên cấp cứu di chuyển bệnh nhân bị nghi mắc Covid-19 từ nhà đến bệnh viện ở Paris, Pháp, ngày 20/3. (Ảnh: Reuters)
Nhân viên cấp cứu di chuyển bệnh nhân bị nghi mắc Covid-19 từ nhà đến bệnh viện ở Paris, Pháp, ngày 20/3. (Ảnh: Reuters)

Cùng mục tiêu, khác chiến lược

Có rất ít quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) ban hành quy định bắt buộc tiêm phòng, thay vì đó, yêu cầu mọi người xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc đã phục hồi sau khi mắc bệnh, để có thể tham gia các hoạt động thường ngày, thậm chí là đi làm. Trái lại, Mỹ đã ban hành quy định bắt buộc tiêm chủng trên diện rộng.

Bất chấp việc áp dụng các chiến lược khác nhau, các quan chức ở cả Mỹ và EU đều phải đối mặt với cùng một câu hỏi: Làm thế nào để tăng tỷ lệ tiêm chủng lên mức tối đa và chấm dứt một đại dịch đã nhiều lần phá vỡ các nỗ lực kiểm soát nó.

Mặc dù không ban hành quy định tiêm chủng bắt buộc nhưng nhiều quốc gia châu Âu đã khiến cuộc sống của những người không tiêm vaccine trở nên khó khăn hơn với một loạt yêu cầu mới.

Còn tại Mỹ, trong một động thái gây bất ngờ, Tổng thống Joe Biden công bố quy định mới của liên bang, yêu cầu khoảng 100 triệu người, chiếm hơn 2/3 lực lượng lao động ở Mỹ, phải chấp hành tiêm vaccine Covid-19 bắt buộc. Theo quy định mới, các công ty có hơn 100 nhân viên phải yêu cầu nhân viên tiêm vacicne hoặc xét nghiệm Covid-19 một lần/tuần.  Nhân viên liên bang và người làm việc với các cơ quan chính phủ liên bang cũng phải tiêm vaccine, không được chọn làm xét nghiệm thay thế. 

Biện pháp mạnh tay này phản ánh áp lực lớn hơn mà chính quyền Tổng thống Biden đang phải gánh chịu. EU, mặc dù tụt hậu so với Mỹ về tỷ lệ tiêm chủng ở giai đoạn đầu, nhưng đã nhanh chóng vượt lên vào cuối tháng 7/2021. Theo Our World In Data, tính đến thời điểm hiện tại, khối 27 nước thành viên này đã có 60% dân số được tiêm chủng, cao hơn so với 53% ở Mỹ. Tuy vậy, tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước thành viên của EU và giữa các bang của Mỹ không đồng đều.

Các quan chức trong chính quyền Biden đã coi đây là “đại dịch của những người không tiêm chủng”. Số liệu cho thấy, gần như tất cả các ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ hiện nay đều rơi vào những người chưa được tiêm vaccine. Các quan chức EU cũng đưa ra những mô tả tương tự để nói về việc dịch bệnh tiếp tục bùng phát tại khu vực này.

Thế khó của EU

Nhưng so với Mỹ, EU sẽ gặp khó khăn hơn khi áp đặt quy định tiêm vacine bắt buộc vì việc thực hiện các chính sách y tế sẽ là trách nhiệm chung của 27 nước thành viên trong khối, do đó các quan chức cấp cao của EU phải rất thận trọng khi ban bố bất cứ quy đinh nào. Khi phóng viên hỏi liệu tiêm chủng bắt buộc có là một phần của giải pháp chống dịch hay không, 3 ủy viên của EU đã né tránh câu hỏi, dù không ai phản đối.

“Điều này không nằm trong quyền hạn của chúng tôi. Nhưng có một thông điệp mà chúng tôi muốn nhắc lại với các nước thành viên và thông qua từng quốc gia gửi tới các công dân châu Âu, đó là hãy tiêm vaccine”, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho biết.

Còn Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton khẳng định rằng, khối không gặp vấn đề về nguồn cung vaccine và sẽ “sẵn sàng cho mọi thứ cần thiết”.  

Mặc dù các quan chức cấp cao của EU không thể áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc với 450 triệu công dân của khối, nhưng chính phủ nhiều nước đang tăng cường hạn chế đối với những người không tiêm phòng. Còn một số quốc gia khác quy định tiêm vaccine bắt buộc với những nhóm đối tượng cụ thể. Chẳng hạn Slovenia yêu cầu các nhân viên chính phủ đều phải tiêm vaccine và không được chọn làm xét nghiệm thay thế. 

Biện pháp phổ biến nhất ở EU vẫn là yêu cầu xét nghiệm thường xuyên đối với những người không tiêm phòng.

Nếu muốn đến bảo tàng Burgundy của Pháp để chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật của danh họa lemish Primitive Rogier, khách tham quan buộc phải trình cái gọi là giấy thông hành Covid-19 để chứng minh đã có kết quả xét nghiệm âm tính, tiêm phòng hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19. Quy định này được áp dụng trên toàn nước Pháp trong mọi hoạt động, từ việc vào nhà hàng cho tới tham quan tháp Eiffel

Trong bối cảnh phải vật lộn để thúc đẩy tỉ lệ tiêm chủng vốn đang ở mức thấp từ đầu mùa Hè, Pháp là quốc gia đầu tiên trong EU áp dụng giấy thông hành Covid-19. Tổng thống Pháp Macron sau đó đã công bố quy định tiêm chủng bắt buộc đối với các nhân viên y tế vào tháng 7/2021. Biện pháp này đã phát huy hiệu quả. 8 tuần sau khi quy định mới được áp dụng, cơ quan y tế công cộng của Pháp cho biết, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đã tăng từ 40% lên 69%.

Chiến lược của Pháp đã được áp dụng rộng rãi trong khối. Ngày 16/9, Italy đã yêu cầu người dân xuất trình giấy thông hành Covid-19 khi tham gia nhiều hoạt động.Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi cho biết, người lao động làm việc trong các khu vực công và khu vực tư nhân sẽ sớm bị yêu cầu phải xuất trình thẻ này khi đi làm. Slovenia và Hy Lạp cũng áp dụng các biện pháp tương tự.

Tuy vậy, làn sóng phản đối đã xuất hiện ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Tại Mỹ đã có rất nhiều lời chỉ trích và các cuộc biểu tình rải rác phản đối quy định bắt buộc tiêm chủng của chính quyền liên bang. Các thống đốc đảng Cộng hòa trên khắp đất nước đã lên án quyết định của chính quyền Biden, đe dọa sẽ có hành động pháp lý.

Trong khi đó, Italy và Pháp đã chứng kiến hàng nghìn người xuống đường để phản đối chính sách thẻ thông hành Covid-19. Đã xảy ra một số cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát tại thủ đô Paris. Ở Slovenia, hàng trăm người biểu tình đã ném pháo sáng vào tòa nhà Quốc hội đề phản đối yêu cầu phải xuất tình thẻ thông hành Covid-19 khi đến nhà hàng hoặc nơi làm việc của tư nhân. Tuy vậy, chính phủ nước này vẫn quyết định mở rộng yêu cầu tiêm chủng với nhân viên chính phủ.

Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ, vẫn có một điều không thể phủ nhận được là tỷ lệ tiêm chủng đã tăng vọt kể từ khi các biện pháp nói trên được áp dụng. Ông Bojana Beović, trưởng nhóm cố vấn của Bộ Y tế Slovenia về Covid-19 cho biết: “Tôi sẽ vui hơn nếu mọi người hiểu được lý do họ cần phải tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhưng điều quan trọng là tỷ lệ dân số được tiêm chủng đang tăng lên”./.

Theo Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)