(TH&CL) Bằng lòng thành kính vô hạn trước những ân tình mà Bác Hồ đã dành cho đất nước, cho dân tộc, niềm tin mãnh liệt vào Đảng, 42 năm qua người nữ thanh niên xung phong – Đỗ Thị Mến hàng ngày cần mẫn cần mẫn dọn dẹp, quét lau, thắp hương trong ngôi nhà sàn thờ Bác Hồ tại thôn Lục Bắc xã Thái Xuyên huyện Thái Thụy tỉnh Thái Bình.


Chúng tôi tìm về xã Thái Xuyên trong một ngày đầu xuân hỏi thăm  nhà Bà Đỗ Thị Mến, người dân nơi đây- ai cũng nói rằng : “Bà Mến lập nhà sàn thờ Bác chứ gì?” Theo lời chỉ dẫn của người dân địa phương chúng tôi tìm vào nhà bà Mến.

Hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi nhà sàn khang trang với 16 cột trụ vững chãi, được thiết kế theo khu nhà sàn ở Phủ Chủ tịch. Đứng từ sân nhìn lên, chính giữa ngôi nhà nối từ phần mái xuống ban công là tấm ảnh Bác đang vẫy tay chào được treo trang trọng, phía dưới là tấm băng rôn đỏ với hàng chữ "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Thẳng xuống sân là cột cờ với lá cờ Tổ quốc đang phất phới tung bay.

Thấy có khách vào nhà, từ trong nhà một người phụ nữ tóc bạc, khuôn mặt khắc khổ, thân hình gầy gò mặc bộ quần áo bộ đội bạc màu, chân đi đôi dép cao su bước ra niềm nở bắt tay chúng tôi.

Nhớ lại những năm bom đạn ác liệt của cuộc kháng khiến nỗi đau thời thơ ấu vẫn còn in hằn trong ánh mắt mờ đục của bà. Cái chết của 2 người anh trai bà là hậu quả của nạn đói năm 1945,  mà đến tận bây giờ khi nhắc lại bà Mến không khỏi nghẹn ngào nước mắt. Năm 20 tuổi bà lên đường đi thanh niên xung phong khi đang làm công tác Đoàn tại địa phương. Đứng trong hàng ngũ của Đảng bà luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chồng bà là ông Nguyễn Quang Dòng, nhập ngũ đi bộ đội vào năm 1957 ở chiến trường Quảng Trị sau đó chuyển vào chiến trường Tây Nam. Ông làm công tác tuyển và huấn luyện quân. Năm 1972, ông được gia đình giới thiệu và làm đám cưới với bà Mến. Nhưng lấy nhau được hai ngày, chồng bà phải quay trở lại chiến trường. Hòa bình lập lại ông trở về quê hương và có nhiều thời gian chăm sóc cho vợ mình. Nhưng cũng từ đây nỗi đau chiến tranh đã ám ảnh theo ông suốt cuộc đời. Ông bị nhiễm chất độc da cam trong những năm chiến đấu tại chiến trường. Đáng buồn hơn, suốt những năm chung sống vợ chồng bà Mến chưa từng được một lần làm mẹ khi đã năm lần mang bầu. Những đứa con của bà không thể ra đời do hậu quả của chất độc da cam để lại. Bà kể: Nhiều đêm chỉ biết nằm khóc một mình, khóc cho nỗi đau chiến tranh và ám ảnh về gương mặt của những trẻ nhỏ…

Năm 1999, ông Dòng qua đời khi không thể chịu đựng được nỗi đau về thể xác mà chiến tranh đã để lại cho ông. Bà Mến không thể nào quên những giây phút chồng mình quằn quại với những cơn đau lúc cuối đời. Từ lúc đó tinh thần của bà sụp đổ hoàn toàn. Người thân duy nhất của bà cũng bỏ bà ra đi không bao giờ trở lại, đến một niềm an ủi bà cũng không có. Giá như không có chiến tranh thì bà đã được sống hạnh phúc bên người chồng và những đứa con yêu quý của bà.

Bao nhiêu bất hạnh, khổ đau là thế, nhưng niềm tin yêu vô bờ bến đối với vị Cha già của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soi sáng, tiếp thêm sức mạnh để bà vượt qua

Bà Mến cho biết: “Cuối năm 1972, vợ chồng tôi bắt đầu lập bàn thờ Bác ở gian giữa nhà mình với mong muốn Bác phù hộ cho đất nước hòa bình trở lại, nhân dân được sống cuộc sống ấm no. Đó là lời tâm niệm, lời tri ân của vợ chồng tôi đối với công ơn trời biển mà Bác cống hiến cho dân tộc mình”. Đến năm 2009, ngôi nhà sàn rộng thoáng đãng đã được dựng lên trên diện tích 501m2, nhờ những tấm lòng hảo tâm của các du khách thập phương về đây đóng góp, ủng hộ. Đặc biệt có sự ủng hộ của cô Trần Thị Hiền- Giám đốc xí nghiệp in 2,Viện khoa học- công nghệ .

Theo chân bà Mến bước từng bậc thang chúng tôi lên ngôi nhà sàn khang trang  của bà. Ở giữa ngôi nhà sàn là bàn thờ Bác được đặt ở vị trí rất trang nghiêm. Ở ngay dưới gian thờ Bác là Một cái bàn gỗ đơn sơ. Trên bàn gỗ bày đủ các loại hạt giống: thóc, đỗ, ngô… Đó là những hạt giống bà mua ở Móng Cái ( Quảng Ninh), ở Tuyên Quang hay tận vùng Đồng Tháp Mười xa xôi…Đi đến đâu, vùng nào bà Mến đều mua một nắm hạt giống về đặt trên ban thờ Bác Hồ với mong muốn Bác sẽ phù trợ cho mùa màng khắp nơi tươi tốt, bội thu. Mâm hạt giống chính là lòng biết ơn của nhân dân khắp nơi với sự ấm no mà Bác đã mang lại.

Bà Mến đã lập thêm hai bàn thờ nữa bên cạnh bàn thờ Bác Hồ. Bàn thờ thứ nhất thờ hương hồn các anh hùng, liệt sĩ, những người đã hy sinh tuổi xuân và xương máu cho dân tộc và các danh nhân, danh tướng của đất nước. Bàn thờ thứ hai thờ Tiên Tổ 1064 dòng họ ở Việt Nam. Các bàn thờ trong nhà bà lúc nào cũng được quét dọn sạch sẽ tươm tất và lúc nào cũng thoang thoảng mùi hương hoa. Ngôi nhà sàn này được Bà Mến và bà con trong làng đặt tên đó là “Nhà sàn 19 tháng 5”.

Bà Mến xúc động cho biết: Tôi chỉ mong sao ngày càng có nhiều người biết đến khu nhà sàn thờ Bác, để lớp trẻ hôm nay hiểu được, học tập và noi theo gương Bác.

Được biết khi ngôi nhà sàn mới được dựng lên hàng ngày chỉ có bà hương khói cho Bác. Nhưng càng ngày càng có nhiều người biết đến và về thắp hương cho Bác. Đặc biệt, những ngày lễ sinh nhật Bác 19/5 hay dịp Quốc khánh 2/9 có nhiều đoàn du khách và cán bộ địa phương đã về đây tự tay dâng lên một nén hương thành kính cho Bác để tỏ lòng biết ơn vị cha già của dân tộc Việt Nam.

Khi chúng tôi đến thăm, chiếc xe đạp thống nhất cũ kĩ mà bà đã dành dụm tiết kiệm tiền mới mua được từ năm 1985,vẫn còn đó. Nó như một kỉ vật đã gắn bó thân thiết với bà Mến trên nhiều chặng đường, nhiều cuộc hành trình để tỏ lòng  thành kính với Bác Hồ kính yêu. Ngay bên cạnh ngôi nhà sàn một căn nhà rộng 68m2 mới được xây dựng để làm phòng trưng bày tượng, ảnh, đặt sổ ghi lưu niệm, băng đĩa, album, báo... hàng trăm cuốn sách viết về chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của Bác cũng được bà Mến sưu tầm, xếp gọn trang trọng trong tủ sách. Để có được những tài liệu này bà đã phải đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người để xin và mua lại.

Chia tay bà Mến chúng tôi không khỏi xúc động trước tấm lòng của người nữ thanh niên xung phong năm xưa đối với Bác. Một niềm xúc cảm thiêng liêng bỗng dưng dạt dào cuộn chảy trong lòng mỗi người. Trên bàn thờ giản dị đó, ngày ngày con cháu từ khắp mọi miền Tổ quốc  về đây chắp tay thành kính tưởng nhớ đến Bác.

Nguyễn Năm