Hiện doanh nghiệp đang báo lỗ lớn nhất trên sàn là Thủy điện Miền Trung (CHP), doanh thu không đáng kể trong khi các khoản chi phí vẫn phát sinh ở mức cao khiến CHP chịu lỗ ròng hơn 74 tỷ đồng – Đây cũng là con số thua lỗ cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do trong năm 2018 công ty tạm dừng phát điện để thực hiện công tác đại tu tổ máy H1 và bảo trì đường hầm dẫn nước theo định kỳ kết hợp xử lý mái chính diện Nhà máy thủy điện A Lưới.
Khó khăn của CHP còn được phản ánh trong kế hoạch kinh doanh năm 2018, Công ty đặt kế hoạch doanh thu thấp hơn hẳn so với thực hiện năm trước đó. CHP đặt mục tiêu doanh thu 613 tỷ đồng, giảm gần 30% so với kết quả thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế đặt kế hoạch 170 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận năm trước đó.
Cùng ngành Thủy điện một doanh nghiệp khác là Thủy điện Miền Nam (SHP) cũng đã báo lỗ ròng 26,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ hơn 12 tỷ đồng. Lý do thua lỗ được phía công ty là do đặc thù của ngành thủy điện, sản lượng điện 6 tháng đầu năm chỉ bằng khoảng tối đa 30% sản lượng điện cả năm dẫn đến doanh thu quý 1 thấp hơn so với các quý khác trong cùng năm. Bên cạnh đó quý 1 năm nay nhà máy Đam’bri không tham gia vào thị trường điện, sản lượng điện chạy theo điều độ của Cục Điều tiết Điện lực làm cho sản lượng điện của nhà máy Đam’bri giảm 36% so với sản lượng điện cùng kỳ năm tước, dẫn đến doanh thu điện của nhà máy Đam’bri giảm gần 43%.
Khoản lỗ lớn của CHP, SHP nảy sinh trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thủy điện khác lại báo lãi, Thủy điện Sông Ba (SBA), thủy đện Sê San 4A (S4A), thủy điện Cần Đơn (SJD), thủy điện Thác Mơ (TMP), thủy điện Sông Chảy 5 (SCH) đều đã báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ do thời tiết rất thuận lợi, sản lượng điện tăng.
Dịch vụ Phú Nhuận (MSC) cũng gây bất ngờ khi báo lỗ 24,5 tỷ đồng – Mức lỗ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của công ty này. Nguyên nhân thua lỗ được phía công ty cho biết là do suy giảm về sức mua và nhất là giá cả nông sản xuất khẩu sụt giảm sâu làm ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận gộp giảm 122%.
Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR) cũng đã báo lỗ gần 29 tỷ đồng trong quý 1, mặc dù lãi gộp được cải thiện nhưng các khoản chi phí đều tăng cao so với cùng kỳ - Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh không có lãi. Tình cảnh thua lỗ cũng tiếp tục lặp lại ở Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (PVC) khi báo lỗ tiếp gần 13 tỷ đồng - doanh nghiệp này đã lỗ trong cả 2 năm 2016 và 2017, mục tiêu của năm 2018 là có lãi 12 tỷ đồng. Bao bì dầu thực vật (VPK) cũng lỗ quý thứ 6 liên tiếp - quý 1 lỗ gần 10 tỷ đồng.
Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS), nguyên nhân thua lỗ là do ảnh hưởng của khoản chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và chênh lệch tỷ giá thanh toán. Tại ngày 31/3/2018, tỷ giá ngoại tệ EUR tăng khiến BTS lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ là 14,24 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá thanh toán là 4,17 tỷ đồng. Theo đó ảnh hưởng của khoản lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ và chênh lệch tỷ giá thanh toán là 18,41 tỷ đồng.
Trong danh mục lỗ đến thời điểm này còn có những cái tên đáng chú ý khác như Thực phẩm đông lạnh Kido (KDF) báo lỗ hơn 10,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế gần 13,6 tỷ đồng. Nguyên nhân là do trong kỳ doanh nghiệp này không còn khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 80 tỷ đồng trong khi các khoản chi phí vẫn ở mức cao.
Đầu tư Nhà đất Việt (PVL) cũng đã tiếp tục báo lỗ quý thứ 6 liên tiếp với khoản lỗ ròng hơn 11 tỷ đồng, nguyên nhân là do công ty đã hạch toán lỗ các căn hộ đã được bàn giao của hau dự án Linh Tây và Quận 2 (7,3 tỷ đồng), đồng thời công ty đã trích lợi thế thương mại 1,2 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận cùng kỳ chênh lệch. Đáng chú ý trong năm nay PVL sau khi lỗ ròng 156 tỷ đồng trong năm 2017 đã thông qua kế hoạch lỗ thêm hơn 30 tỷ đồng nữa trong năm 2018. PVL tiền thân là Địa ốc dầu khí, công ty mới tiến hành đổi tên thành Đầu tư Nhà Đất Việt từ cuối năm ngoái.
Theo Infonet