Thanh tra trong lĩnh vực ngân hàng
Đại biểu Bùi Mạnh Khoa, Đoàn Thanh Hóa: Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đã được xử lý nghiêm, qua đó làm giảm đáng kể vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn diễn biến phức tạp và tinh vi.
Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ trong công tác thanh tra ngân hàng những năm vừa qua. Thanh tra Chính phủ có giải pháp, căn cơ nào để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này?
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong: Về lĩnh vực thanh tra ngân hàng, thực hiện chức năng được giao, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ công tác thanh tra, trong đó có một số công tác trọng tâm đối với lĩnh vực ngân hàng như tiền tệ, cấp tín dụng, xử lý nợ xấu, phòng chống rửa tiền….
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo hướng dẫn thanh tra ngân hàng giám sát, thanh tra việc thu, chi các ngân hàng. Tiến hành thanh tra tại Ngân hàng Nhà nước và 04 Ngân hàng thương mại. Sau thanh tra đã phát hiện nhiều cấp cập cần chấn chỉnh và xử lý nghiêm.
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ tiến hành nhiều việc thanh tra đột xuất, năm 2022 thanh tra mua sắm thiết bị phòng chống COVID-19, thanh tra quản lý xăng dầu, quy hoạch các công trình trọng điểm quốc gia, thị trường chứng khoán.
Thanh tra phát hiện tham nhũng
Đại biểu Lê Thanh Vân, Đoàn Cà Mau: Đề nghị Tổng Thành tra cho biết từ ngày nhậm chức đến nay, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào, kết quả ra sao? Tổng Thanh tra Chính phủ đã thực hiện cái việc phân cấp, phân quyền theo Nghị định 123 của Chính phủ trong nội bộ cơ quan Thanh tra Chính phủ ra sao, kết quả cụ thể như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thành Công, Đoàn Ninh Bình: Qua hoạt động thanh tra ngành thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng và những tồn tại, hạn chế nguyên nhân?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn Tây Ninh: Hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân.
Đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn Hải Dương: Việc thực hiện kết luận sau thanh tra bao gồm các nội dung thu hồi tiền, xử lý về tài sản và xử lý cán bộ. Tuy nhiên, hiện nay qua theo dõi thì thấy việc thực hiện kết luận của thanh tra ở các địa phương, quan, đơn vị mới chỉ chú trọng đến việc thu hồi tiền còn nội dung xử lý về tài sản và xử lý cán bộ thì chưa thực sự được chú trọng. Đề nghị Tổng Thanh tra cho biết nguyên nhân của tình trạng trên và những giải pháp khắc phục trong thời gian tới?
Tổng Thanh tra Nhà nước Đoàn Hồng Phong
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân về việc chỉ đạo thanh tra đột xuất, phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ công tác này thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đúng quy định của luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Thứ nhất là căn cứ vào chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Thanh tra tiến hành thanh tra một nội dung nào đó thì Tổng Thanh tra sẽ chỉ đạo Phó Tổng Thanh tra phụ trách các cơ quan, đơn vị tổ chức nắm thông tin tình hình, đề xuất nội dung phạm vi thời kỳ và đối tượng cần Thanh tra.
Thứ hai là Tổng Thanh tra Chính phủ cho chủ trương để Phó Tổng Thanh tra ký ban hành quyết định thanh tra kế hoạch tiến hành thanh tra.
Thứ ba là Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Phó Tổng Thanh tra phụ trách chỉ đạo Thủ trưởng Cục vụ và đoàn thanh tra tiến hành thanh tra theo quy định pháp luật và chỉ đạo giám sát đoàn thanh tra.
Thứ tư là Tổng Thanh tra chỉ đạo Phó Tổng xem xét báo cáo kết quả thanh tra, chỉ đạo thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về dự thảo kết luận thanh tra và sau đó thì chỉ đạo tiếp thu, hoàn chỉnh kết luận.
Thứ năm là Tổng Thanh tra cho chủ trương để Phó Tổng phụ trách ký ban hành kết luận thanh tra, tổ chức công khai kết luận theo quy định pháp luật và báo cáo Ban Chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra.
Thứ sáu là Tổng Thanh tra chỉ đạo, Phó Tổng và các đơn vị Cục Vụ tiến hành theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra và báo cáo Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ về kết quả xử lý sau thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian vừa qua đã có nhiều cuộc thanh tra có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 09 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng. Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì với bộ, ngành, địa phương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Về lâu dài, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu hoàn thiện pháp luật thanh tra, kiểm toán theo hướng quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan.
Về xử lý tập thể, cá nhân, nhất là nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra thực hiện xử lý sau thanh tra của ngành thanh tra thì các cơ quan đã xử lý hành chính đối với 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng.
Về chậm ban hành kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết tình trạng này do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan. Trong đó, cuộc thanh tra có vi phạm quy mô lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều đối tượng có tính chất phức tạp. Một số quy định pháp luật còn bất cập, đặc biệt là quy định thời gian báo cáo và dự thảo kết luận thanh tra. Khối lượng công việc nhiều nhưng lực lượng thanh tra, nhất là Thanh tra Chính phủ, rất mỏng và ý thức trách nhiệm, kỹ năng, năng lực của một số thành viên còn hạn chế.
Việc thu hồi một phần kết quả thanh tra, trích lại cho ngành thanh tra thực hiện theo quy định trích lại một phần để mua sắm thiết bị cho ngành thanh tra; động viên, khen thưởng, khích lệ những đơn vị có thành tích xuất sắc. Đây không phải nguồn kinh phí tính riêng theo ngân sách hàng năm, mà phần này đã được tính chung vào nguồn ngân sách cho ngành thanh tra.
Về vấn đề khan hiếm xăng, ngành đang thực hiện Nghị định Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao, tiến hành thanh tra về công tác xăng dầu hiện nay. Ngành đang triển khai phối hợp với ngành công thương để đảm bảo bình ổn cung ứng xăng dầu…
Về kết luận thanh tra công tác cán bộ, Thanh tra Chính phủ có kiến nghị xử lý về cơ chế chính sách, thu hồi kinh tế, chuyển cơ quan điều tra. Từ đầu năm, đã xử lý hơn 1.000 tổ chức và hơn 4.000 cá nhân, tuy nhiên việc xử lý sau thanh tra còn hạn chế. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh công tác này, thực hiện đúng theo các kết luận thanh tra.
Về chất lượng đội ngũ, đạo đức công vụ, thời gian qua cán bộ thanh tra cơ bản chấp hành tốt các quy định, tuy nhiên có một số trường hợp còn xảy ra vi phạm. Tới đây, sẽ có quy định cụ thể về những việc cán bộ thanh tra không được làm, không bỏ lọt, bỏ sót đối tượng vi phạm để chuyển cơ quan điều tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, sẽ có quy chế tổ chức hoạt động các đoàn thanh tra, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương, toàn thể người dân phối hợp giám sát để hạn chế tình trạng vi phạm trong hoạt động thanh tra. Về việc phòng chống tham nhũng trong các đoàn thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp để nêu cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức ngành thanh tra, các thành viên trong các đoàn thanh tra.
Công Huy (lược ghi)