Phó Chủ tịch Thường trực cho biết, tiếp tục phương châm "từ sớm, từ xa", công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn lần này đã được tiến hành sớm hơn rất nhiều so với các kỳ họp trước đây. Ngay từ khi triệu tập kỳ họp, UBTVQH đã đề nghị các vị ĐBQH đề xuất nội dung, lĩnh vực chất vấn để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn.
Căn cứ Quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội và đề xuất của 63 Đoàn ĐBQH với 96 nhóm vấn đề; cùng với việc tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV trong Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Báo cáo của Ban Dân nguyện; những vấn đề nổi lên trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội.
Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp, lựa chọn 06 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc UBTVQH trước khi lấy ý kiến của UBTVQH để lựa chọn 05 nhóm vấn đề; trên cơ sở đó, UBTVQH gửi xin ý kiến các vị ĐBQH để lựa chọn 4 trong 5 nhóm vấn đề để Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
ĐBQH không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, với tinh thần dành tối đa thời gian cho việc đặt câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn, người trả lời chất vấn phát biểu một số vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn không quá 5 phút trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn. Thời gian trả lời không quá 3 phút đối với một vấn đề chất vấn.
"Đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời đúng trọng tâm, không né tránh, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi cho cả trước mắt và lâu dài để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực", Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh.
Chủ tọa phiên họp sẽ mời mỗi lượt 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; mỗi ĐBQH nêu câu hỏi không quá 1 phút và nên tập trung 1 hoặc 2 vấn đề để Bộ trưởng, trưởng ngành dễ theo dõi và trả lời vào đúng các vấn đề đại biểu quan tâm. Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác chất vấn và trả lời chất vấn, đề nghị các vị ĐBQH bám sát vào chủ đề chất vấn, đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao.
Về thời gian tranh luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: "Thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút. ĐBQH không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và cũng không tranh luận giữa các ĐBQH với nhau".
Cuối cùng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, với việc chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho phiên chất vấn, cùng với kết quả thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội; thảo luận về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; các báo cáo liên quan đến nội dung nhóm vấn đề chất vấn đã được gửi đến các vị ĐBQH, cùng với kinh nghiệm qua các phiên chất vấn, các vị ĐBQH đã có thời gian để nghiên cứu báo cáo của các Bộ trưởng, trưởng ngành, làm cơ sở để tiếp tục chất vấn làm rõ các nội dung, trách nhiệm trong từng lĩnh vực…
"Với tinh thần đó, chúng ta tin tưởng rằng, các vị ĐBQH, các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi và thành công, góp phần đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành điểm nhấn quan trọng của kỳ họp, đáp ứng sự mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước và của chính các vị ĐBQH", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng.
PV