50 năm trôi qua, có rất nhiều ca khúc viết về các cô gái đã hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, về những chiến sĩ đã mãi mãi nằm xuống mảnh đất này.
Trong không gian nghệ thuật được xây dựng mang màu sắc của sự tưởng nhớ, những giai điệu giàu cảm xúc, những lời hát đầy chất thơ về 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) năm xưa ở Ngã ba Đồng Lộc đã vang lên… Đó có thể là bài hát lay động lòng người hàng chục năm qua như Cúc ơi, được thể hiện bởi giọng nam truyền cảm Vũ Thắng Lợi, là ca khúc quen thuộc của bao thế hệ TNXP như Cô gái mở đường đầy “mới lạ” qua tiếng hát Phương Thanh.
Ca sĩ Phương Thanh
Hòa chung những bài hát đã đi cùng năm tháng ấy là những sáng tác mới lần đầu được công bố, trình diễn nhưng dường như “khoảng cách” trong xúc cảm với người nghe bị xóa mờ khi thưởng thức. Đó cũng là hiệu quả cảm xúc từ ý đồ dàn dựng của đạo diễn Lê Đỗ Quỳnh Hương - Đoàn Hùng Vũ Phong, khi đan xen hài hòa giữa chất “xưa” và “nay” trên sân khấu.
Theo như chia sẻ của tác giả Ngọc Thịnh (Hà Tĩnh), dù đã viết không ít bài hát về quê hương mình hay dành riêng cho Ngã ba Đồng Lộc, vẫn luôn dấy lên những xúc cảm khó diễn đạt khi nhắc đến “huyền thoại 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc”. “Lần này, tôi đã tìm được sự đồng cảm trong Cổ tích quê mình - một bài thơ của Ngọc Vượng, em trai tôi.
“Lắng đắng chuông chùa dạo ấy, chị mang theo vầng trăng cong cong hình múi bưởi, câu ví quê hương ấm trong tình thương cùng chị, núi Hồng, sông La lắng trong bài ca cùng chị vào chiến tranh, ôi! huyền thoại quê mình... Khóm sả còn xanh, gương, lược hãy còn, bia đá, hố bom, chứng tích còn đây...”. Những người nữ thanh niên xung phong ấy đã không trở lại. Tôi nghĩ chiến tranh là điều gì đó thật khốc liệt, dữ dội; và hình ảnh các cô gái lại mảnh mai, thanh khiết, đối lập nhau, cái không tưởng ấy đã làm nên một “huyền thoại quê mình”. Chính điều này đã dâng lên trong tôi niềm xúc động, cảm nhận điều gì đó thật khác lạ, thật đẹp đẽ, như các cô tiên trong những chuyện cổ tích, và những câu chuyện cổ tích thì sẽ luôn còn mãi...”, tác giả Ngọc Thịnh nói.
Trong đêm diễn mọi người hẳn sẽ bất ngờ hơn, khi biết thêm tác giả của Chị ơi là Hoàng Nhã, người viết những ca khúc nhạc trẻ nổi tiếng cho Mỹ Tâm, Lệ Quyên, Lê Hiếu… Chia sẻ về bài hát đoạt giải của mình, tác giả sinh năm 1985 vui mừng: “Sau khi tham gia trại sáng tác, tham quan các di tích ghi công liệt sĩ TNXP… do Báo Thanh Niên tổ chức, tôi suy nghĩ rất nhiều, làm sao để có một ca khúc viết về sự hy sinh, cống hiến của lực lượng TNXP mà có thể đến với công chúng, nhất là người trẻ hôm nay, một cách gần gũi nhất. Và Chị ơi đã ra đời trong niềm trăn trở đó”.
Trong khi đó, với tác giả Lê Mây (76 tuổi), ông viết Hoa cúc rừng lại nở như một “nhân duyên” với nhà thơ Hồ Phong Tư. “Nghe thông báo về cuộc thi, tôi định gọi Hồ Phong Tư vì đọc được bài thơ anh trên Facebook. Chưa kịp bấm số thì Hồ Phong Tư alô cho tôi. Viết về TNXP có lẽ ngàn cuốn sách không đủ, vạn bài hát vẫn thiếu. Sự hứng khởi để tôi viết chính là ý thơ Hồ Phong Tư khi đọc lên đã sởn gai ốc:
Ca sĩ Tố Ny mang đến giai điệu vừa dạt dào vừa sôi động của bài hát Hoa cúc rừng lại nở
“Ta lại đi trên con đường cũ, lối chỉ đường là những chân nhang… Tôi hy vọng, sau khi được tặng giải thưởng, bài hát sẽ được phổ biến hơn đến công chúng, đóng góp vào việc nhắc nhở những người hôm nay: Hãy sống xứng đáng với sự hy sinh của những người đã ngã xuống cho Tổ quốc - trong đó có TNXP”, tác giả Lê Mây chia sẻ.
Hằng Vương