Hành trình lên bản
Giữa cái giá buốt tê tái của ngày cuối năm, chúng tôi lên đường đến với huyện vùng cao biên giới Mường Lát. Hành trình từ thành phố Thanh Hóa tới vùng biên cương không vất vả như trước, các cung đường trải nhựa sạch, đẹp tựa như thảm lụa uốn mình ôm tròn những dãy núi cao chót vót. Nhớ lại, cũng thời điểm này cách 1 năm, nhiều đoạn đường đang thi công dang dở, mưa phùn, đất, đá ngỗn ngang, tôi cùng một đồng nghiệp khi ấy cưỡi con xe máy “cà tàng” chật vật mất trọn 1 ngày mới lên nơi.
Năm nay, thong thả ngắm núi rừng, cảnh vật chừng hơn 7 tiếng là tới trung tâm huyện Mường Lát. Lúc này, xế chiều, bóng mặt trời khuất dần sau dãy núi lớn phía bên kia biên giới. Phố huyện bắt đầu lên đèn, chúng tôi vội vã vào UBND huyện nhờ các anh văn phòng, bố trí cho chỗ nghỉ qua đêm bên nhà khách huyện, để sáng hôm sau tiếp tục hành trình...
Đang say giấc nồng, tiếng gà đua nhau gáy báo hiệu ngày mới khiến tôi tỉnh giấc. Qua khe cửa sổ nhà khách, nhìn xuống phố huyện đã thấy tấp nập người qua lại. Xa xa, từng tốp phụ nữ với váy áo sập xè đon đả xuống chợ mua sắm, trên lưng không thiếu những chiếc gùi lớn, tốp đàn ông vội vã vác từng gốc đào rừng lên xe tải, kịp cho lái buôn chở về xuôi bán, còn đám trẻ con thì xúng xính khoác lên người những bộ váy thổ cẩm họa tiết màu mè tung tăng nô đùa, chạy nhảy.
Phố huyện Mường Lát thời điểm này tấp nập người mua bán
Hành trình ngày mới bắt đầu, chúng tôi chạy xe một mạch đến xã Tén Tằn, trụ sở nằm ngay ngã ba đường trung tâm. Đây cũng là điểm họp chợ giao thương giữa bà con hai nước Việt – Lào.
Trong sắc màu pha lẫn giữa đám đông, khó nhận ra đâu là người Việt, người Lào. Bởi từ ngôn ngữ tới cách ăn mặc đậm chung một nét văn hóa của đồng bào vùng biên. Khoảng cách giữa hai đất nước giống như không tồn tại ở nơi đây, chỉ có tình đồng bào, anh em rất nồng ấm.
Lãnh đạo xã Tén Tằn bận đi họp chi bộ dưới bản nên cử anh Vi Văn Tấn, cán bộ văn phòng đón và dẫn chúng tôi lên bản Piềng Mòn. Anh Tấn có nước da trắng, khuôn mặt thanh tú, dáng dấp mảnh khảnh, là người bản địa nên anh rất thông thạo đường đi lối lại.
Trên chặng đường lên bản, qua câu chuyện thăm nhau, anh Tấn tâm sự, anh vốn học khoa văn Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Khi ra trường, anh trở về công tác tại quê hương. Anh bảo nơi đây là máu thịt nên không xa được, vì đây không chỉ là nơi anh lớn lên, mà còn có gia đình và cả người con gái bản anh yêu thương.
Người con gái anh yêu thương ấy, giờ đã thành vợ và sinh cho anh một cậu con trai kháu khỉnh. Hiện vợ anh đang là giáo viên công tác tại Trường Mầm non xã Tam Chung, cách nhà gần 30 km, dù mới chỉ là lao động hợp đồng, lương tháng eo hẹp, trong khi con nhỏ phải đi về trong ngày nên rất vất vả, khó khăn. Nhưng thấy vợ yêu nghề nên anh Tấn cố gắng động viên, đỡ đần phụ vợ chăm con. Ở trên này, nhiều trường hợp giống như vợ chồng anh Tấn, nếu không phải vì tình yêu nghề, yêu bản làng, chắc khó có thể bám trụ lâu dài.
Xe chúng tôi đến đầu con đường bê tông nối từ quốc lộ vào bản Piềng Mòn, ngay đầu đường là dòng suối Xim, nước suối trong vắt, anh Tấn bảo rằng, người dân địa phương vẫn ví đây như “dòng sữa mẹ” nuôi lớn biết bao nhiêu thế hệ người Thái tại bản. Bởi suối cung cấp nguồn nước tưới chính cho ruộng nương và phục vụ đời sống sinh hoạt, chăn nuôi của bà con.
Tiến sâu vào bên trong, Piềng Mòn dần hiện ra sau màn sương mờ bao phủ, với những nếp nhà sàn khang trang. Khói thơm tỏa ra từ các gian bếp, đó là mùi thơm của lúa nếp nương. Đồng bào nơi đây có thói quen thường ngày dậy sớm nấu một nồi xôi nếp nương, rồi gói lại từng nắm nhỏ để mang đi rừng, đi nương, rẫy... dùng vào buổi trưa khi ở lại.
Ngoài dòng suối Xim ở đầu bản, bản Piềng Mòn còn được bao bọc bởi dãy núi lớn Pù Ló. Phía bên kia dãy núi là các bản Na On và Xôm Vẳn huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Dân bản 2 bên núi vẫn qua, lại thăm nhau mỗi khi có dịp lễ, hội, đám cưới hỏi...
Nếu suối Xim được ví là người mẹ hiền, thì dãy núi Piềng Pó được dân bản địa xem như người cha già bao đời nay cứ hiên ngang, sừng sững giang rộng đôi tay che chở các bản làng nơi vùng biên cương hẻo lánh.
Anh Tấn dẫn chúng tôi đến ngôi nhà sàn của ông Lương Văn Đào, Bí thư Chi bộ bản Piềng Mòn nằm ngay giữa bản. Lúc này, ông Đào đã lên nương nên anh Tấn phải gọi điện báo. Trong lúc chờ ông Đào về, chúng tôi tranh thủ đi thăm một vòng quanh bản.
Hai bên đường, từng ngôi nhà sàn khang trang, rộng rãi. Không còn cảnh tượng chuồng trại lợn, gà, trâu bò... đặt ngay dưới chân nhà, bẩn thỉu, hôi thối. Thay vào đó là mặt nền, cột trụ nhà được bê tông hóa kiên cố. Chuồng trại được di chuyển ra xa để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bên góc bản, khu nhà văn hóa mới được xây dựng còn thơm phức mùi sơn mới, vài đứa trẻ đang nô đùa trong khuôn viên sân. Thấy người lạ, chúng bẽn lẽn không dám tới gần, tôi rút trong túi vài viên kẹo bạc hà đưa ra, cả đám mới tíu tít ùa lại. Đứa nào, đứa nấy mặt mũi sáng sủa, quần áo sạch sẽ, gọn gàng.
Piềng Mòn hôm nay rạng rỡ với nếp nhà sàn khang trang, những con đường sạch, đẹp
Đều là vùng cao miền biên viễn, nhưng trẻ con ở bản Piềng Mòn đầy đủ hơn so với nhiều nơi khác. Năm ngoái, trên đường lên đây, tôi ghé qua một bản người Mông tại xã Tam Chung, nhìn đám trẻ trên đó quần áo nhem nhuốc, rách rưới, mặt mũi tím tái, co ro dưới cái lạnh giá khắt nghiệt của mùa đồng vùng cao, không khỏi xót xa.
Bản nghèo “thay da, đổi thịt”
Bóng dáng ông Đào đã về tới đầu bản, chúng tôi quay lại ngồi bên chiếc bàn đá, dưới chân nhà sàn. Thấy chúng tôi, ông Đào vội vã rửa chân tay lấm lem bùn đất, rồi ra tiếp chuyện.
Rót ly chè ấm mời khách, ông Đào hồ hởi: “Bản tôi vinh dự khi được đón ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về thăm, động viên bà con. Cùng với đó, nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, mấy năm nay đời sống bà con đỡ vất vả hơn xưa”.
Rồi ông Đào ôn lại chặng đường 10 năm phát triển của bản Piềng Mòn.
Tác giả trao đổi cùng ông Lương Văn Đào, Bí thư Chi bộ bản Piềng Mòn
Bản Piềng Mòn được thành lập năm 2007, có 61 hộ dân (275 khẩu), đều là dân tộc Thái, bản có một chi bộ với 12 đảng viên. Người dân trong bản được di tản từ các bản trong xã theo dự án của Đoàn KTQP5, trình độ dân trí không đồng đều, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo khi đó chiếm tới hơn một nửa, đa phần lao động không được đào tạo. Đường sá toàn đất, đá, ngày mưa xuống lầy lội, nắng lên thì bụi mù mịt.
Thời điểm năm 2014, bản Piềng Mòn mới chỉ đạt được 9/14 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí chưa đạt là văn hoá, giao thông, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo, môi trường. Đến tháng 3/2016, UBND huyện Mường Lát phê duyệt Dự án xây dựng bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn đạt chuẩn “Bản nông thôn mới”. Bắt đầu từ đây, các cấp ủy, chính quyền huyện, xã phối hợp cùng chi bộ và bà con trong bản bắt tay vào công cuộc xây dựng bản nông thôn mới.
Đầu tiên, Đảng ủy xã Tén Tằn cùng Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể trong xã lên kế hoạch triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới tại bản Piềng Mòn, rồi từ đó phổ biến tuyên truyền để bà con trong xã, trong bản hiểu rõ, nắm bắt tình hình.
Tiếp đến, đi vào triển khai thực tế phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, bằng việc xây dựng mô hình sản xuất lúa năng xuất chất lượng cao diện tích là 5 ha, tập huấn cho các gia đình biết kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây lúa nước, đưa năng xuất lúa nước của bản bình quân từ 40 tạ/ha lên 55 tạ/ha.
Chính quyền địa phường tổ chức xây dựng mô hình chăn nuôi dê sinh sản, hỗ trợ giống bò, hỗ trợ chuồng trại, trồng cỏ... tập huấn cho các gia đình về kỹ thuật chăn nuôi phòng trừ dịch bệnh.
Hiện nay, các mô hình này phát triển tốt, mang lại hiệu quả thiết thực, làm thay đổi nhận thức của người dân, để họ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, không chỉ mang lại hiệu quả cao, mà còn bền vững, từng bước thay đổi phương thức canh tác truyền thống chủ yếu dựa vào thiên nhiên.
Dựa trên cơ sở nhu cầu lao động, UBND xã Kén Tằn đã phối hợp với các cơ quan cấp trên mở 2 lớp đào tạo nghề xây dựng, chăn nuôi thú y, khuyến nông, khuyến lâm…, nhờ đó, đa số lao động trong bản đã có tay nghề, để tham gia làm việc tại địa phương tăng thêm thu nhập. Trong bản, không còn lao động thất nghiệp, thu nhập bình quân đầu người 2017 đạt trên 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 giảm còn gần 6%. Các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, thể thao được phát động mạnh mẽ, nhất là các dịp lễ hội, ngày Tết, cưới hỏi...
Ngoài việc hỗ trợ phát triển sản xuất, hướng nghề, chính quyền địa phương còn động viên, hướng dẫn chỉ đạo bà con trong bản tích cực trồng rừng, trồng cây ăn quả, trồng rau sạch, chuyển đổi mùa vụ, nuôi cá ao…
Đặc biệt, các cấp, các ngành địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư hệ thống thoát nước đường giao thông vào bản, hệ thống nước sinh hoạt tập trung. Đầu tư cải tạo, sửa chữa khu trường mầm non và tường rào nhà văn hóa. Trang bị công cụ thiết bị cụm loa truyền thanh của bản.
Góp phần vào công cuộc xây dựng bản nông thôn mới, người dân Piềng Mòn hăng hái tham gia hơn 2.000 ngày công, hiến gần 3.500 m2 đất, chặt bỏ trên 1.000 cây cối các loại, di chuyển nhà cửa, tường rào để làm đường giao thông và xây dựng các cộng trình cộng cộng khác.
Trên dưới đồng lòng, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng.
Đến ngày 30/11/2017, bản Piềng Mòn, xã Tén Tằn chính thức được công nhận “thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới” trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2017 - 2020. Đây là sự kiện ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào nơi vùng biên viễn Mường Lát.
“Ngày đón nhận, công bố nông thôn mới, cả bản vui như... Tết, ngày hội. Có các lãnh đạo trên tỉnh, huyện về dự và bà con các bản bên Lào sang chung vui. Bà con bên Lào cứ tấm tắc khen cái chương trình nông thôn mới - giúp Piềng Mòn đẹp hơn, sạch hơn, cuộc sống dân bản đỡ vất vả”, ông Đào tự hào.
Theo bước chân ông Đào, chúng tôi đi thăm từng công trình trọng điểm của bản, từ trường mầm non, nhà văn hóa, kênh, mương tưới tiêu... rồi ghé vào căn nhà sàn khang trang của gia đình anh Hà Văn Hệ, một trong những hộ dân được hỗ trợ trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy mà gia đình anh thoát cảnh đói nghèo, trở thành gia đình khá của bản Piềng Mòn.
Anh Hệ chia sẻ: “Trước đây, cả nhà chỉ biết trông chờ vào nương, rẫy nên khó khăn, lo ăn từng bữa. Từ khi có chương trình nông thôn mới về bản, được dạy cách trồng, chăm sóc cây lúa mà thu hoạch được nhiều hơn. Rồi được đào tạo cái nghề để kiếm thêm tiền nên không còn khổ như trước, có tiền mua được quần áo, sách vở cho con đi học, mua được cái ti vi cho gia đình xem...”.
Không chỉ riêng gia đình anh Hệ, mà tất cả người dân bản Piềng Mòn đã cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” khi xây dựng nông thôn mới.
Piềng Mòn hôm nay như một cô gái Thái đang tuổi xuân thì, được khoác lên mình bộ váy mới lộng lẫy, nổi bật giữa bạt ngàn núi rừng vùng biên cương.
Ông mặt trời lên cao. Chia tay Piềng Mòn, chúng tôi trở về xuôi, đứng trên sườn núi cao ngoảnh đầu nhìn lại, thấy những ánh nắng ấm áp, tươi mới của mùa xuân chiếu rọi khắp Piềng Mòn...
Ghi chép củaThuấn Nguyễn