Dán tem truy xuất nguồn gốc cam Vinh
Báo cáo của Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cho biết, từ năm 2007, chỉ dẫn địa lý cam Vinh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận với gần 1.700ha, nhưng trên thực tế, hiện có hơn 6.400ha ở nhiều địa bàn với nhiều giống cam.
Đến nay, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch vùng cam đến năm 2020 là 8.270ha. Việc quản lý quy hoạch và nâng cao chuỗi giá trị chưa có sự phối hợp đồng bộ.
Cam Vinh đã trở thành một sản phẩm đặc trưng, thương hiệu mạnh của Nghệ An, từng được xuất khẩu sang nhiều nước. Nhiều hộ gia đình đã giàu lên nhờ trồng cam. Thời điểm gần Tết Nguyên đán năm 2017, một kg cam Vinh bán tại vườn với giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg.
Việc dán tem truy xuất nguồn gốc cũng là cơ sở để xử lý các hành vi buôn bán cam giả, nhái nhãn hiệu cam Vinh.
Qua khảo sát thực tế, quy mô các hộ trồng cam ở các địa phương huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, thị xã Thái Hòa còn nhỏ, chưa hình thành được nhiều DN, HTX trồng và kinh doanh cam.
Mạng lưới tiêu thụ, kinh doanh cam hoàn toàn tự phát, chủ yếu do thương lái trực tiếp thỏa thuận và thu mua của người dân và họ chưa quan tâm đến sử dụng tem nhãn. Điều này gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh xử lý việc lạm dụng thương hiệu cam Vinh.
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, các sở KH&CN, NN&PTNT, Công thương và các huyện cần phối hợp tích cực với các DN, HTX, người trồng cam để tiếp tục ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, tưới, quy trình kỹ thuật chăm, bón, áp dụng mô hình VietGap để bảo đảm và nâng cao năng suất, chất lượng, chuỗi giá trị gia tăng của cam Vinh.
Công tác bảo quản sau thu hoạch và các sản phẩm được hình thành từ quả cam cần được chú trọng; in mẫu mã tem, nhãn hàng hóa cho cam theo hướng dễ hiểu, dễ truy xuất nguồn gốc sản xuất.
Trong năm 2017, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức một số lễ hội, hội chợ, tạo thuận lợi cho sản phẩm cam lan tỏa thương hiệu, công việc này gắn với các hoạt động của ngành du lịch, văn hóa.
Nguyễn Kiên