Tham dự khóa đào tạo có sự tham dự của đại diện một số lãnh đạo sở khoa học và công nghệ, chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng các tỉnh, thành phố.
Sau hơn 4 năm triển khai Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) với vai trò là đầu mối triển khai thực hiện, với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Về xây dựng tiêu chuẩn, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chủ trì và phối hợp với các Bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông) xây dựng và công bố 27 TCVN về truy xuất nguồn gốc;
Bên cạnh đó, Trung tâm MSMV Quốc gia đồng hành cùng các địa phương triển khai Đề án, trung bình mỗi năm, tổ chức được trên 20 khóa đào tạo, tập huấn về truy xuất nguồn gốc cho các địa phương và nhiều hoạt động liên quan khác.
Theo đó, nhiều địa phương cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn, đào tạo các nội dung trong Đề án;
Hiện đã có 40/63 địa phương đã xác định sản phẩm đặc trưng/sản phẩm ưu tiên được thực hiện truy xuất nguồn gốc;
Nhiều địa phương đã áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm tiêu biểu như tỉnh Ninh Bình, Hải Phòng, Sơn La, Lạng Sơn, Khánh Hoà, Bình Định,...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động truy xuất nguồn gốc tại một số địa phương vẫn còn khó khăn vướng mắc do nhiều nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan.
Các nội dung được chia sẻ tại khóa đào tạo bao gồm:
TCVN 13274:2020 Truy xuất nguồn gốc – Hướng dẫn định dạng các mã dùng cho truy vết
TCVN 13275: 2020 Truy xuất nguồn gốc – Định dạng vật mang dữ liệu
TCVN 12850 Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc
Tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc toàn cầu (GTS)
Hướng dẫn quy trình kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Khóa đào tạo được tổ chức ngoài mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc tại địa phương thì cũng là buổi trao đổi, thảo luận cùng nhau đồng hành để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan tới việc triển khai hoạt động truy xuất nguồn gốc một số địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá.
Thanh Uyên