Chiều 25/07, ghi nhận của PV Thương hiệu & Công luận, nhiều chợ dân sinh tại khu vực quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội như: Chợ Đại Từ, chợ Mai Động, chợ Lòng Thuyền… cho thấy, giá bán thực phẩm như: Các loại thịt (heo, gà, bò, trâu); rau xanh: củ, quả giá không giảm mà còn có xu hướng tăng mạnh theo từng ngày.
Giá thực phẩm ở mức cao
Qua ghi nhận của PV, tại một số chợ nói trên thì, thịt lợn đứng đầu trong top mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Giá bán lẻ thịt lợn dao động trong khoảng 100.000 - 140.000 đồng/kg tùy loại. Ở một số chợ, giá từng loại thịt cụ thể đã tăng thêm 20.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đó.
Cụ thể, thịt ba chỉ tại chợ Đại Từ hiện được bán với giá 140.000 đồng/kg, đắt hơn 20.000 đồng mỗi kg so với trước.
Ông Đào Quang Hiệp, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Đại Từ cho biết: "Những ngày gần đây, thịt lợn tăng giá chóng mặt, mỗi ngày một giá". Về nguyên nhân khiến thịt lợn tăng giá, các tiểu thương cho rằng, đó là do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh từ đầu năm, cộng với chi phí vận chuyển tăng khi giá xăng dầu tăng cao. Bên cạnh đó, có thể do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc cũng đang tăng mua mặt hàng này.
Theo ông Hiệp, trong khoảng 02 tuần trở lại đây, giá thịt lợn đã tăng khoảng 10 - 20 giá. Thịt ba chỉ từ 120.000 đồng/kg tăng lên 140.000 đồng/kg; bắp giò tăng từ 110.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg. Tương tự, thịt nạc vai, mông cũng tăng từ 110.000 đồng/kg đồng lên 120.000 đồng/kg. “Mức giảm của giá xăng, dầu chưa đủ thời gian để tác động đến giá thịt lợn ngoài chợ, vì giá thịt lợn chịu ảnh hưởng lớn từ nguồn cung, giá lợn hơi ở từng thời điểm", ông Hiệp nói.
Chị Nguyễn Hồng Thanh, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ chợ Mai Động, quận Hoàng Mai bày tỏ: Sở dĩ giá thịt lợn từ đầu tháng Bẩy đến nay liên tục tăng giá mặc dù giá xăng có giảm là vì giá lợn hơi và lợn móc hàm đã tăng khoảng 20 giá. Giá nhập cao, chi phí vận chuyển tăng nên giá bán bắt buộc phải tăng. “Đầu năm giá lợn hơi chỉ 42.000-46.000 đồng/kg, giá thịt tôi bán là 100.000-120.000 đồng/kg nhưng hiện tại giá lợn hơi đã tăng gần gấp đôi, lên 69.000-75.000 đồng/kg nhưng giá thịt chỉ tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg, nếu bán không khéo thì phải bù lỗ như chơi nên đi chợ bây giờ chỉ là để giữ khách chứ lời lãi không được bao nhiêu”, chị Thanh nói.
Các loại thịt bò, thịt gà thì vẫn giữ nguyên mức giá so với lúc xăng chưa giảm. Thịt bò dao động từ khoảng 230.000 - 300.000 đồng tùy loại. Thịt gà công nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 60.000 - 75.000 đồng tùy loại, gà ta nguyên lông khoảng 110.000 - 140.000 đồng/kg.
Còn giá các loại rau - mặt hàng "té nước theo xăng" nhiều nhất cũng chưa hề sụt giảm. Giá rau xanh vẫn đang phổ biến ở mức 15.000 - 25.000 đồng/kg. Chẳng hạn như rau bắp cải ở chợ Đại Từ ở mức 15.000 - 25.000 đồng/kg, đắt hơn khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước.
Các loại rau khác như bắp cải đang có giá từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, hầu hết là giữ nguyên so với trước kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/07. Ở một số chợ, loại rau này còn tăng nhẹ 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Rau muống vẫn khoảng 12.000 - 15.000 đồng/mớ, cải ngọt giá vẫn khoảng 15.000 đồng/kg, dưa chuột giữ nguyên giá 25.000 đồng/kg.
Giá rau xanh nhập vào thay đổi từng ngày. Từ sau Tết Nguyên đán, xăng dầu tăng giá liên tục, rau xanh cũng tăng theo gấp 2 - 3 lần. Nhưng bây giờ, sau khi xăng dầu đã giảm mạnh 2 lần liên tiếp, giá rau xanh vẫn “cố thủ”.
Nguyên nhân khiến giá hàng hóa không chịu giảm
Nói về vấn đề trên, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính phân tích: Giá xăng dầu được điều chỉnh 10 ngày/lần và theo giá thị trường. Trong hai lần điều chỉnh gần đây, giá xăng dầu giảm nhưng doanh nghiệp sản xuất sẽ không thể điều chỉnh ngay giá hàng hóa mà họ căn cứ theo xu hướng giá chung.
Cụ thể, xăng dầu là một trong những yếu tố tác động lên giá thành hàng hóa. Các yếu tố khác có thể kể đến như giá nguyên vật liệu đầu vào, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, phân bón… đều tăng.
Cũng theo ông Thịnh, thời gian qua giá hàng hóa tăng theo giá nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá xăng và doanh nghiệp hạch toán dần vào chi phí sản xuất. Tùy ngành nghề, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Do đó sẽ rất khó để giá hàng hóa giảm ngay trong 10 ngày (theo kỳ điều hành xăng dầu).
“Việc điều chỉnh giá hàng hóa không thể thực hiện trong một sớm một chiều bởi thực tế khi giá đầu vào tăng, các doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh và mất một khoảng thời gian nhất định giá mới ra đến thị trường. Giá xăng dầu giảm vừa qua chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng. Có thể giá xăng dầu phải giảm 1-2 tháng, khi đó mới tác động đến giá hàng hóa bán ra trên thị trường”, Tiến sỹ Thịnh nói.
Mặt khác, theo Tiến sỹ Thịnh, nguyên tắc của người kinh doanh làm sao có thể được lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Vì vậy không loại trừ trường hợp có công ty lợi dụng bối cảnh hiện nay để giữ giá hoặc “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, nếu có các biện pháp quản lý tốt thì việc giá cả hàng hóa tăng, giảm sẽ đi theo quy luật của thị trường.
Lê Pháp