Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Trần Hữu Linh
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Trần Hữu Linh

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương

Từ đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 giảm thì thực trạng và quy mô tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại  tăng trở lại, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp. 

Hàng giả hiện xuất hiện ở hầu hết các ngành hàng khác nhau và tại nhiều địa phương. Nhiều vụ việc vi phạm có tính chất rất nghiêm trọng, nhất là kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, chuyển phát nhanh, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng.

Trước thực trạng đó, để ngăn chặn, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm, Tổng cục Quản lý thị trường đang hoàn thiện, trình lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ 3 Đề án về công tác chống hàng giả, đó là.

Đề án xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Muốn chống hàng giả triệt để thì cần phải có một hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Đây là chiến lược dài hạn và rất quan trọng; Đề án chống gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử; Đề án nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng Quản lý thị trường. 

Các đề án trên sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, các lực lượng thực thi trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại.

Tôi cho rằng, để đấu tranh hiệu quả với vấn nạn này, các lực lượng chức năng thực thi cần đẩy mạnh công tác phối hợp chặt chẽ; đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền đến các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, hàng gian lận thương mại; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân không tiếp tay, mua, sử dụng hàng hóa vi phạm.

Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng, tham gia Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh
Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), Nguyễn Đăng Sinh

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) 

Đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại cần đồng bộ và sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, những năm qua, Hiệp hội VATAP đã chủ động đồng hành cùng các lực lượng chức năng thực thi, các doanh nghiệp trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại và đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ, khối lượng công việc nhiều; công tác phối hợp, tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn nhiều phức tạp, đòi hỏi Hiệp hội và các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp hội viên cần tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, các lực lượng chức năng, thực hiện có hiệu quả trong công tác hoạt động và sản xuất, kinh doanh, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nhân đây, Hiệp hội VATAP cũng đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên khi phát hiện sản phẩm của mình bị làm giả thì cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường trong việc cung cấp hồ sơ, chứng từ pháp lý để làm cơ sở giúp cơ quan thực thi kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tuấn
Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương - Nguyễn Hữu Tuấn

Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương - Nguyễn Hữu Tuấn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì việc kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử như chiếc  phao cứu sinh cho các doanh nghiệp để tồn tại qua mùa đại dịch.

Tuy nhiên, khi giá trị và số lượng các giao dịch thương mại tăng lên qua nền tảng này đi kèm đó cũng là vấn đề hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm trên môi trường trực tuyến cũng tăng cao, thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn.

Đặc biệt, các đối tượng vi phạm, livestream bán hàng ở một nơi nhưng kho hàng hóa lại ở một địa chỉ khác, thậm chí ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, gây khó khăn cho công tác nắm bắt, kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rằng, chính bản thân nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa chú trọng đến việc bảo vệ thương hiệu của đơn vị mình. Do vậy, công tác truyền thông đôi khi cũng còn hạn chế hoặc các doanh nghiệp biết là sản phẩm hàng hóa của mình bị làm giả nhưng không muốn công khai việc nhận dạng hàng giả. Doanh nghiệp cũng chưa quan tâm áp dụng công nghệ mới trong việc bảo vệ sản phẩm hàng hóa của mình, như ứng dụng về truy xuất nguồn gốc hay tem chống giả.

Về phía người tiêu dùng, đôi khi vẫn biết là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn chuộng thương hiệu đó và vẫn muốn sử dụng vì giá rẻ nên đã vô tình tiếp tay cho thực trạng hàng giả phát triển. 

Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội (Công ty TNHH URC Việt Nam), Phạm Quốc Lộc
Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội (Công ty TNHH URC Việt Nam), Phạm Quốc Lộc

Giám Đốc Nhà máy URC Hà Nội (Công ty TNHH URC Việt Nam), Phạm Quốc Lộc

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính, đến quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng và kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chúng tôi tự hào về sản phẩm của mình luôn bảo đảm chất lượng, đúng nguồn gốc xuất xứ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Công ty không ngừng đầu tư về kỹ thuật và nghiên cứu, áp dụng công nghệ để kiểm soát, bảo đảm sản phẩm luôn đạt chất lượng, phục vụ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, URC cũng chú trọng thực hiện chiến dịch truyền thông, giới thiệu tên những nhãn hàng sản phẩm chính hãng của doanh nghiệp trên những kênh truyền thông fanpage, website… để người tiêu dùng nhận biết và từ đó, doanh nghiệp cũng nhận được những phản hồi của khách hàng về thông tin sản phẩm khi xuất hiện hàng giả. 

Đối với những kênh phân phối hàng hóa của URC thì đơn vị cũng thực hiện hướng dẫn những nhà phân phối biết cách xác định hàng thật, hàng giả. Nhân viên phân phối hàng hóa phải sát sao với thị trường, để phát hiện kịp thời những hàng giả, hàng nhái, từ đó phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai biện pháp ngăn chặn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. 

Nguyễn Kiên (lược ghi)