Bảo đảm công khai, minh bạch cổ phần hóa

Hôm nay (28/5), Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Đầu tư ra nước ngoài: Làm rõ dự án lỗ, lãi - Hình 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc định giá DN cần quy định cụ thể hơn nữa, nhằm tôn trọng, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của DN và nhà đầu tư, nhằm không thất thoát vốn Nhà nước, thu hút nhà đầu tư tham gia. Các phát hiện, đề xuất qua kiểm toán cần được tập hợp thành bộ tài liệu về định giá thông tin DNNN trong quá trình cổ phần hóa.

Đồng thời phải bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa về việc triển khai các thông tin liên quan đến hoạt động của DNNN sẽ cổ phần hóa và quyền được tiếp cận thông tin của nhà đầu tư. Thực hiện việc công bố danh mục DN dự kiến sẽ cổ phần hóa trên cổng thông tin của Chính phủ; DN được cổ phần hóa phải thực hiện nghiêm túc lộ trình đã phê duyệt; siết chặt việc bảo đảm chất lượng công bố thông tin của DNNN.

Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ và trình Quốc hội về tài sản công có tính thương mại hiện nay là bao nhiêu, đang ở những DN nào? Loại tài sản công nào sinh lợi cần tiếp tục để phục vụ quá trình phát triển KT-XH? Loại tài sản công nào kém hiệu quả, cần tiếp tục thoái để thu hút nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa tới đây, thông qua đó đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hóa, tách bạch giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị có tính công ích của DNNN; hạn chế tối đa can thiệp hành chính, can thiệp công việc mang tính vụ việc vào sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN, nhằm sai lệch mục tiêu chiến lược và dài hạn của đầu tư nhà nước.

Đồng thời, xây dựng lộ trình hợp lý trong thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đối với DNNN, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý, phân phối thu nhập; xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe đối với những vi phạm.  

Đầu tư ra nước ngoài: Làm rõ dự án lỗ, lãi - Hình 2

Đại biểu Hoàng Văn Cường phát biểu

Tạo lập 3 vòng kiểm soát theo thông lệ quốc tế

Theo đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang), trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nghiêm trọng hơn, thời gian qua đã xảy ra những vi phạm trong lĩnh vực này dẫn đến những hậu quả nặng nề khó khắc phục. Một số vụ việc đã phải gửi qua cơ quan điều tra, xử lý hình sự.

Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này xuất phát từ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với DNNN.

Do đó, muốn khắc phục các bất cập này, đại biểu cho rằng, trong từng DNNN cần tạo lập 3 vòng kiểm soát theo thông lệ quốc tế.

Một là, phát hiện và quản lý rủi ro trong hoạt động hàng ngày thông qua kiểm soát nội bộ. Hai là, theo dõi, giám sát rủi ro trong toàn bộ DN thông qua hệ thống quản trị rủi ro. Ba là, kiểm toán nội bộ để bảo vệ tài sản, vốn của nhà nước, kinh tế của nhà nước.

Làm rõ dự án lỗ, lãi

Về vấn đề DNNN đầu tư ra nước ngoài, dẫn báo cáo Chính phủ trang 38, đại biểu cho biết tính đến 31/12/2016 đã có 18 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư đã thực hiện hơn 7 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong khai thác dầu khí, viễn thông, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản… Trong đó, 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ, 46,6% dự án không có báo cáo doanh thu, lợi nhuận. Chỉ riêng năm 2016, lợi nhuận được chia cho Việt Nam là 145 triệu USD. 

Cho rằng, nội dung này của báo cáo còn tương đối đơn giản, chưa lột tả được bức tranh tổng thể đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ, dự án thuộc ngành, lĩnh vực nào lỗ và lãi, hạn chế vướng mắc, nguyên nhân của việc lỗ. 

Chính phủ, cần rà soát, tổng kết vấn đề này, để đánh giá thực chất hơn, đưa ra các giải pháp xử lý, cơ cấu lại đối với những dự án đầu tư kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng. 

Trong đó, cũng cần chú ý đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời vướng mắc cho DN, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư đối với một số dự án quan trọng mang tính chiến lược...

 Giữ vững vị trí then chốt của DNNN

Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), chủ trương nhất quán của Đảng - DNNN giữ vững vị trí then chốt là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.

Để duy trì được vị trí then chốt và là lực lượng vật chất quan trọng theo chủ trương của Đảng cần một lượng vốn nhất định. Ngoài lượng vốn, các DNNN ở lĩnh vực then chốt đang nắm giữ cũng có lúc cần bổ sung để duy trì phần vốn góp để đầu tư mở rộng hoàn thành nhiệm vụ mới.

Vì vậy, đối với tiền thu từ thoái vốn cổ phần hóa cần tính toán số vốn dành riêng duy trì và phát triển DNNN theo đúng chủ trương của Đảng. Cần tính toán từ bây giờ, tránh tình trạng tiền thu được sử dụng cho đầu tư và các nhiệm vụ khác khi cần phát triển cho DNNN lại không thu xếp được.

Hơn nữa, cần nhận thức chủ trương thoái vốn thực chất là quá trình cơ cấu lại danh mục vốn đầu tư của Nhà nước với mục tiêu thu hồi vốn đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt, tất yếu để chuyển sang đầu tư tại doanh nghiệp đầu tư then chốt, thiết yếu. Vì vậy, việc cổ phần hóa, thoái vốn, sử dụng tiền thu được từ thoái vốn cổ phần hóa cũng cần cân nhắc nội dung này.

Về mục tiêu đầu tư kinh doanh của DNNN, vốn nhà nước, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng cần bảo đảm đúng chủ trương của Đảng: Tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Theo đó, ngoài việc ban hành tiêu chí DN, Chính phủ cần chính sách, phương thức quản lý đánh giá phù hợp với các DNNN theo lĩnh vực theo đúng chủ trương và trong cơ chế thị trường, và DNNN đầu tư trong các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư do không đáp ứng được yêu cầu về mở rộng. Hai loại DN này phải có chính sách khác nhau nên phải có cách ứng xử khác nhau.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của SCIC, không nên để tình trạng SCIC thực hiện đầu tư vào các lĩnh vực không then chốt của Nhà nước đang thoái vốn. Mặc dù, chức năng quan trọng của SCIC là kinh doanh vốn, nhưng vì là DNNN sử dụng vốn nhà nước nên SCIC chỉ nên đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực phù hợp với chủ trương. Việc đầu tư vào các DN thu lợi nhuận cần bám sát chủ trương của Đảng. Cần cân nhắc để tránh tình trạng cùng là Nhà nước mà một bên ra sức thoái vốn, bên lại mua vào.

Hoan Nguyễn