Nhiều giải pháp tổng thể, được cụ thể hóa theo từng năm
Kể từ khi được Bộ Chính trị phát động thực hiện vào năm 2009, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) với cơ quan đầu mối là Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam) đã triển khai đạt được những kết quả nhất định, tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt đã có những bước chuyển biến tích cực.
Trong lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể, được cụ thể hóa theo từng năm đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động thông qua việc ban hành và thực hiện Kế hoạch tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động với nhiều hoạt động trên nhiều lĩnh vực thuộc 4 nhóm giải pháp chính như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO); Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; Đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.
Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam
Các hoạt động trên đã mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt ở tỉ lệ từ 80% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu. Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng loạt các FTA lớn đã và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thực thi như Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), đặt ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Việc hội nhập giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội được tiếp cận với nguồn nguyên vật liệu, máy móc thiết bị có chất lượng từ các nước tiên tiến và có giá cả cạnh tranh do hàng rào thuế quan được hạ thấp, giúp hàng hóa trong nước có sức cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, các sản phẩm được sản xuất trong nước cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu cùng chủng loại, có chất lượng tốt, được hậu thuẫn về quảng bá chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài.
Tăng cường triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp
Ngày 15 tháng 11 năm 2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được ký kết. RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP hay EVFTA. Nếu như CPTPP hay EVFTA hướng đến mở cửa thị trường, RCEP hướng đến vai trò trung tâm của ASEAN. Vì thế, lợi ích mang lại cũng khác biệt. Cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, điểm khác biệt là RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại, tạo không gian kết nối chung sản xuất trong toàn ASEAN. Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp có thêm cơ hội thị trường.
Trước bối cảnh đó, đồng thời để hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ dịch Covid - 19, Bộ Công Thương đang tăng cường triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở thực hiện Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới nhằm phòng, chống dịch Covid-19 (Quyết định 1457/QĐ-BCT ngày 3 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương), trong đó, triển khai nhiều hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa như:
Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền, quảng bá hàng Việt Nam của các doanh nghiệp Việt Nam; quảng bá các sản phẩm thực phẩm an toàn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thông qua các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm.
Tổ chức các hoạt động kết nối trực tiếp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, kích cầu tiêu dùng giữa đơn vị sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng; giữa các đơn vị sản xuất với nhau; xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại một số địa phương.
Tổ chức các hội chợ, triển lãm để quảng bá các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam tới người tiêu dùng.
Tổ chức Chương trình khuyến mại tập trung trên phạm vi toàn quốc, trong đó có những đợt với mức khuyến mại lên đến 100%.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đơn vị đầu mối triển khai Cuộc vận động) để xây dựng và trình Ban Bí thư văn bản về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động trong tình hình mới, trong đó tại dự thảo có nội dung “Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động trong tình hình mới”; Đồng thời, tiếp tục tăng cường triển khai các nhiệm vụ tại Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động hàng năm.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 7519/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Văn phòng Chính phủ về việc xây dựng Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 (Đề án), Bộ Công Thương hiện đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự thảo Đề án giai đoạn 2021-2025, giai đoạn mới hội nhập kinh tế quốc tế, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội trong đó bổ sung thêm các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tăng cường truyền thông về hàng Việt Nam có chất lượng với chủ đề “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”, ứng dụng khoa học, công nghệ, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm; đẩy mạnh và đổi mới hoạt động kết nối doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu dùng, đặc biệt là thương mại điện tử cả trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt Nam.
Tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định FTA
Để tận dụng tối đa cơ hội từ các Hiệp định FTA, ngoài điều kiện cần là các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, sự chủ động và tích cực của doanh nghiệp mới là điều kiện đủ để hiện thực hóa các lợi ích và cơ hội mà các Hiệp định FTA mang lại. Do đó, các doanh nghiệp, hiệp hội, người dân cần lưu ý một số giải pháp như:
Cần chủ động tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.
Cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Hiệp định RCEP và các Hiệp định FTA sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên.
Cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Minh Anh