THCL Trong những năm gần đây, Thái Nguyên là một trong những địa phương có sự đột phá về công tác quy hoạch và thu hút các nguồn lực đầu tư để phát triển hạ tầng đô thị, KCN. Diện mạo của địa phương này ngày càng khang trang, hiện đại, mang đậm bản sắc vùng miền, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của vùng trung du miền núi phía Bắc.

Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng và triển khai thực hiện 5 chương trình, 16 đề án và 45 công trình trọng điểm, hầu hết là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ thuộc các ngành, lĩnh vực của tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên ưu tiên ngân sách cho công tác quy hoạch, thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung và lập mới các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các huyện, TP; quy hoạch phát triển các ngành lĩnh vực, kết cấu hạ tầng giao thông, lưới điện, phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch mạng lưới đô thị. Đồng thời, tỉnh cũng đã tăng cường công tác quản lý thực hiện quy hoạch để đảm bảo tính đồng bộ, khả năng kết nối của các quy hoạch. Đây là khâu mấu chốt để đảm bảo cho việc đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng của tỉnh.

Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được chú trọng đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các công trình trọng điểm, các tuyến giao thông chính, hạ tầng đô thị và nông thôn.

Hệ thống giao thông trên địa bàn được chú trọng đầu tư xây dựng. Đã hoàn thành tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và cải tạo, nâng cấp QL3 đoạn qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, góp phần quan trọng kết nối mạng lưới giao thông đối ngoại, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư; khởi công đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn).

Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn như đường giao thông, mạng lưới điện, trường lớp học, trụ sở UBND cấp xã được cải thiện đáng kể.

Trong 5 năm đã cải tạo nâng cấp 3.650km đường giao thông nông thôn; 180km kênh mương thuỷ lợi; 168 trạm điện, 646km đường điện; 1.200 phòng học; trên 13.000m2 nhà ở công vụ cho giáo viên; 56 trạm y tế xã; 44 trụ sở UBND xã; 29 nhà văn hoá và khu thể thao xã; 132 nhà văn hoá và khu thể thao xóm.

Hạ tầng thuỷ lợi và công trình cấp nước sinh hoạt cho nhân dân được đầu tư đảm bảo tưới nước ổn định cho 85.000ha cây lương thực, cây màu và cây công nghiệp; tiêu úng cho 910ha; 85% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Hạ tầng khu, cụm công nghiệp được quan tâm, đã quy hoạch 6 KCN với diện tích 1.420ha, trong đó 4 KCN đi vào hoạt động (Sông Công I, Điềm Thuỵ, Yên Bình, Nam Phổ Yên) thu hút 118 dự án, trong đó 80 dự án đi vào sản xuất. Quy hoạch 32 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.218ha, thu hút 60 dự án, trong đó 34 dự án đi vào sản xuất.

Hệ thống lưới điện được đầu tư nâng cấp, cải tạo, nâng cao khả năng truyền tải, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đến nay, 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh có lưới điện quốc gia, trên 98% số hộ được sử dụng điện, trên 11 nghìn km đường dây và 2.100 trạm biến áp.

Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, du lịch được khuyến khích đầu tư; một số dự án Trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới trong phát triển thương mại và dịch vụ.

Hạ tầng các lĩnh vực văn hoá - xã hội được đầu tư nâng cấp. Tích cực triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, gia đình chính sách, xây dựng nhà ở cho sinh viên.

Hệ thống các đô thị được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I TP Thái Nguyên; TX Phổ Yên và TP Sông Công. Đến nay, tỷ lệ dân số thành thị trên địa bàn đạt 33,5%. Công tác quản lý, xây dựng nếp sống văn minh đô thị được chú trọng và có chuyển biến bước đầu.

Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, tỉnh Thái Nguyên xác định rõ: Mặc dù hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, song kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Một trong những nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Sau một nhiệm kỳ, Thái Nguyên là một tỉnh dẫn đầu về chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Các thành phần kinh tế có bước phát triển, đã chủ động hội nhập và từng bước thích ứng với cơ chế thị trường.

Đặc biệt, tỉnh Thái Nguyên cam kết thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh với mức ưu đãi nhất theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Ngoài những quy định chính sách ưu đãi đầu tư chung, UBND tỉnh quy định một số chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, tình hình kinh tế trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng song tỉnh Thái Nguyên vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 của Thái Nguyên đứng thứ 8 trong 63 tỉnh, TP, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kết quả, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã thu hút được gần 700 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt trên 250 nghìn tỷ đồng, trong đó có trên 50 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký khoảng 7 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 4,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư phát triển 5 năm ước thực hiện 160 nghìn tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.

Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang đầu tư trên địa bàn có tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của tỉnh, nhiều dự án đang đầu tư xây dựng và các dự án lớn đã đi vào sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất tăng cao, đặc biệt là nhóm sản xuất sản phẩm điện tử, viễn thông và nhóm chế biến khoáng sản sau khai thác… tạo ra khối lượng sản phẩm lớn với giá trị cao, là đòn bẩy tạo đà tăng trưởng đột phá cho sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Năm 2014, số thu ngân sách của Thái Nguyên đạt 4.777 tỷ đồng, tăng 525 tỷ đồng so với dự toán được giao (tăng 12,4%) và tăng khoảng 1.000 tỷ đồng so với kết quả thu ngân sách Nhà nước năm 2013. Trong đó thu nội địa đạt 4.035 tỷ đồng; thu xuất, nhập khẩu đạt 742 tỷ đồng. Một số khoản thu đạt cao như: Thu thuế nhà thầu thực hiện các dự án có vốn đấu tư nước ngoài; thuế thu nhập cá nhân; thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Riêng 6 tháng đầu năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 169.285 tỷ đồng, tăng gần 3,5 lần cùng kỳ, bằng 65,1% KH năm; giá trị xuất khẩu ước đạt 8, 367 tỷ USD, tăng 4,16 lần cùng kỳ, bằng 61,3% KH năm.

 

PV