Với sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), thông qua Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tất cả các DN vừa và nhỏ (DNVVN) sẽ được nâng cao nhận thức để thực hiện chuyển đổi số.
Trong thời gian đầu, sẽ có ít nhất 100 nghìn DN được hỗ trợ, trở thành mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng. Lĩnh vực được tập trung hỗ trợ gồm ngành cơ khí, điện tử, chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến thực phẩm… Đây là những ngành có lợi thế, góp phần quan trọng trong việc tiên phong dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.
Các DN sẽ được hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào các nội dung chính: Nâng cao nhận thức, tầm nhìn và chiến lược của DN về chuyển đổi số; số hóa hoạt động kinh doanh, từ khâu tiếp thị sản phẩm đến khâu bán hàng…; số hóa quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ, các nghiệp vụ quản lý tài chính, kế toán, nhân sự, báo cáo, giám sát và đánh giá…
Có thể nói, đây là quá trình chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho DN. Dịch Covid-19 đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhanh hơn trong đời sống nói chung và cộng đồng DN nói riêng.
Khi xã hội chuyển sang trạng thái ít tiếp xúc, các hoạt động giao thương đã chuyển mạnh sang hình thức online, nhiều DN đã ứng dụng các giải pháp công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và quản trị. Qua đó, nhận thức về chuyển đổi số của DN Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, thúc đẩy DN trang bị năng lực nhất định trong chuyển đổi số.
Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia, mức độ chuyển đổi số trong cộng đồng DN mới ở ngưỡng cơ bản hoặc sơ khai, chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistics, marketing…
Trong khi vận hành sản xuất là khâu rất quan trọng lại chưa thật sự được chú trọng ứng dụng các giải pháp số nên chưa tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm. Nhìn chung, tỷ lệ số hóa chiếm trong sản phẩm dịch vụ còn thấp, tỷ lệ đóng góp của các sản phẩm dịch vụ được số hóa trong tổng doanh thu chưa cao.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của DN, cần có đánh giá chung về thực trạng, năng lực số tại các DN, từ đó có cơ sở đưa ra giải pháp tư vấn hiệu quả. Rào cản khiến DN khó khăn trong chuyển đổi số hiện nay chủ yếu do chi phí ứng dụng công nghệ số cao, thiếu cơ sở hạ tầng, DN còn e ngại sợ bị rò rỉ dữ liệu thông tin, thiếu nhân lực trình độ cao...
Do đó, về phía Chính phủ cần hỗ trợ chuyển đổi số thông qua việc tăng cường xây dựng các quy tắc, quy định thúc đẩy kinh doanh không dùng giấy tờ. Đồng thời hỗ trợ tài chính cho việc ứng dụng công nghệ số, minh bạch hóa các quy tắc, quy định về quản lý dữ liệu.
Thông qua việc số hóa, tự động hóa, các DN sẽ có “chìa khóa” để thực hiện tăng trưởng nhanh, bền vững trong bối cảnh bất lợi do đại dịch Covid-19 gây ra. Ứng dụng thành công chuyển đổi số cũng tạo ra động lực và sức mạnh để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh tổng thể của DN, giúp DN Việt Nam có thể tối ưu hóa mô hình sản xuất và quản trị nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyên Ngân