Hàng loạt sai phạm được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ
Kiểm toán Nhà nước đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới tồn tại, hạn chế và sai sót chủ yếu trong quá trình thực hiện Dự án và xử lý theo quy định.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam quyết định đầu tư Dự án khi có nhiều ý kiến cảnh báo, khuyến cáo của các Bộ, ngành về tính hiệu quả, các rủi ro đối với Dự án. Dự án sau khi đưa vào vận hành sản xuất kinh doanh liên tục thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi khi đơn vị tư vấn chưa chỉnh sửa một số vấn đề tồn tại chưa có báo cáo thẩm quyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo thẩm định công nghệ, chưa có quy hoạch ngành; chưa tuân thủ theo đầu bài của Bộ Công nghiệp:
Điều chỉnh thời gian thực hiện dự án không đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; không lấy đầy đủ ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành chuyên môn về các nội dung thay đổi, cần thẩm định lại trước khi phê duyệt điều chỉnh Dự án; TMĐT điều chỉnh còn sai sót, thiếu căn cứ tính toán; hồ sơ kèm theo Báo cáo NCKT không đầy đủ thông tin, tài liệu theo quy định; thẩm định và phê duyệt Phương án tài chính kèm theo Báo cáo NCKT của Dự án còn một số tồn tại, hạn chế trong việc tính toàn, xác định một số chỉ tiêu chủ yếu (giá than, sản lượng sản xuất và tiêu thụ, độ nhạy của dự án đối với yếu tố sản lượng).
Về công tác lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ yêu cầu của gói thầu EPC, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ: Còn sai sót về xác định số lượng thiết bị; không quy định cụ thể về năng lực nhà thầu; công tác đàm phán, thương thảo hợp đồng EPC kém hiệu lực, hiệu quả, không rõ ràng để nhà thầu đưa vào hợp đồng một số nội dung bất lợi, tiềm ẩn rủi ro; thay đổi thiết kế từ 2 dây chuyền nghiền xấy than lên 3 dây chuyền không đúng quy định của hợp đồng EPC làm phát sinh chi phí; cử cán bộ đi đào tạo chưa đúng đối tượng, chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của cán bộ sau khi đã được đào tạo phải tiếp tục làm việc tại nhà máy làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả công tác đào tạo.
Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
Theo Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho phép Nhà thầu EPC tiến hành chạy thử 72h khi chưa đủ điều kiện; đồng ý nghiệm thu chạy thử 72h khi chưa đủ điều kiện theo quy định của Hợp đồng EPC.
Trình chủ trương, đồng ý chủ trương cho phép Ban quản lý dự án nhận bàn giao quyền điều hành nhà máy từ Nhà thầu EPC khi chưa đủ điều kiện bàn giao và không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC.
Ngoài ra, công tác đàm phán, thu xếp vốn tín dụng Trung Quốc cho Dự án không hiệu quả, nhà thầu EPC không có khả năng thu xếp đủ vốn tín dụng theo điều kiện tiên quyết ban đầu, không đạt được mục tiêu thu xếp vốn tín dụng ưu đãi Trung Quốc tối thiểu 90% giá trị hợp đồng EPC.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng phê duyệt mức lương chuyên gia trong nước cao hơn so với quy định tại Thông tư số 219/2009/TT-BTC; phê duyệt giá gói thầu số 6A và 6B, gói thầu số 8B không có căn cứ; phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn (gói thầu PMC 6B) có 70% cổ phần góp vốn của Nhà thầu EPC để thực hiện nhiệm vụ giám sát gói thầu EPC không đúng quy định; lựa chọn Nhà thầu khi không đủ điều kiện tiên quyết được quy định trong HSMT gói PMC 6A, 6B; thay đổi bảng dữ liệu đấu thầu của HSMT gói PMC 6A, PMC 6B khi đã mở thầu sai quy định; phê duyệt một số chi phí không thật sự cần thiết, chưa đảmbảo tiết kiệm (cử 24 đoàn đi công tác nước ngoài, mua ôt tô 47 chỗ cho Ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình).
Sử dụng vốn tự có để thanh toán tạm ứng và thanh toán khối lượng cho gói thầu EPC sai mục đích; việc sử dụng vốn tự có sai quy định và việc thiếu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc quản lý sử dụng vốn tự có, dẫn đến Ban QLDA sử dụng vốn cấp cho dự án để thực hiện ủy thác vốn cho Công ty tài chính cổ phản Hóa chất không đúng thẩm quyền, không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, lãi suất ủy thác thấp nhung không kịp thời được phát hiện để có biện pháp năng ngăn chặn.
Việc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mua, cấp than chạy thử 371.469 tấn, vượt quy định tại Hợp đồng EPC 251.469 tấn, gây rủi ro hiện hữu thiệt hại khoảng 661,319 tỷ đồng; số lượng than xuất không có hóa đơn chứng từ 127.368 tấn; việc mua than không có nguồn gốc tiêu chuẩn quy định tại dự án; không tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc dừng đàm phán hợp đồng EPC để đấu thầu.
Đề nghị xử lý trách nhiệm đối với Ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình
Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan tới tồn tại, hạn chế và sai sót chủ yếu trong quá trình thực hiện dự án và xử lý theo quy định.
Cụ thể, công tác đôn đốc, theo dõi, tập hợp, lưu trữ hồ sơ, tài liệu của Dự án còn nhiều hạn chế, Nhà thầu EPC không lập và bàn giao đầy đủ hồ sơ các gói thầu theo quy định của Hợp đồng để quyết toán gói thầu, quyết toán dự án hoàn thành; ký phụ lục hợp đồng EPC không đúng thẩm quyền; công tác quản lý tiến độ kém hiệu quả gây chậm tiến độ gói thầu, dự án.
Hàng loạt sai phạm của BQL Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình cũng được Kiểm toán Nhà nước "chỉ mặt, đặt tên".
Theo Kiểm toán Nhà nước, Ban quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình chưa thể hiện trách nhiệm giám sát việc quản lý, sử dụng than của nhà thầu và chất lượng than trong hoạt động chạy thử; nhập than tư nhân không có tài liệu chứng mình nguồn gốc than; giao 127.368,65 tấn than phục vụ chạy thử cho nhà thầu không có chứng từ xuất kho; không ghi nhận doanh thu từ hoạt động thu gom tro xỉ năm 2012; phê duyệt Kế hoạch đào tạo khi chưa được Chủ đầu tư ủy quyền, không đúng thẩm quyền.
Ban quản lý Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình trình xin chủ trương cho phép, nhận bàn giao tạm thời quyền điều hành nhà máy khi chưa đủ điều kiện bàn giao, không phù hợp với quy định của Hợp đồng EPC.
Sử dụng vốn tự có của Dự án để thực hiện ủy thác cho Công ty tài chính cổ phần Hóa chất sai quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư của Dự án, không đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao, lãi suất ủy thác thấp; chậm hoàn thiện thủ tục thanh toán cho Nhà thầu EPC, dẫn tới Chủ đầu tư bị phạt chậm thanh toán theo quy định của Hợp đồng EPC.
Ngoài ra, một số tồn tại, hạn chế và sai sót chủ yếu trong quản lý và thực hiện các gói thầu, hạng mục chi phí khác (ngoài gói thầu EPC) như kết quả kiểm toán đã nêu.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, Ban quản lý Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình Lập Báo cáo tổng hợp quyết toán dự án hoàn thành khi còn nhiều tồn tại, sai sót về số liệu, hồ sơ quyết toán, do đó không đủ điều kiện quyết toán theo quy định.
Tuấn Ngọc