Tổng quan thị trường tài chính
Tại Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022” của NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và NH Phát triển châu Á (ADB) công bố mới đây cho thấy, năm 2021, kinh tế thế giới phục hồi khá nhanh, ở mức tăng 6,1%, từ mức -3,1% năm 2020 lên 3,0% năm 2021.
Lạm phát tăng nhanh từ mức 2% năm 2020, lên 5,8% năm 2021, do đa số quốc gia mở lại hoạt động kinh tế - xã hội nhờ độ bao phủ vaccine và khả năng thích ứng của chính phủ, người dân và DN. Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính toàn cầu tiếp đà phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh bình thường mới và niềm tin được củng cố. Tuy có nhiều điểm tích cực, 2021 vẫn là một năm khó khăn với ngành NH thế giới nói chung khi mặt bằng lãi suất cho vay giảm, hoạt động tín dụng kém khả quan và nợ xấu gia tăng ở nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, do tác động tiêu cực của biến thể Delta trong đợt dịch thứ tư (từ tháng 5/2021), trong khi độ bao phủ vaccine còn thấp trong quý II và chỉ mới được đẩy nhanh hơn từ quý III/2021, nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ trong quý III, hệ quả là kinh tế nước ta giảm 6,02% trong quý này.
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam đã được khôi phục và có những bước phục hồi nhanh từ quý IV với mức tăng trưởng 5,22%, giúp cả năm tăng 2,58%. Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84%, chủ yếu do sức cầu còn yếu, vòng quay tiền chậm.
Trong đó, hoạt động của hệ thống tài chính vẫn cho thấy sự ổn định và tăng trưởng, môi trường pháp lý cho hoạt động NH, chứng khoán và bảo hiểm tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, mặt bằng lãi suất vẫn được duy trì ở mức tương đối thấp, tỷ giá được duy trì ổn định.
Cụ thể, hoạt động tín dụng vẫn đạt được mức tăng trưởng tích cực, huy động vốn có phần chậm lại. Cả năm 2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,61% so cuối năm 2020, cao hơn so mức 12,17% của năm trước. Vốn điều lệ hệ thống tổ chức tín dụng cả năm ước tăng khoảng 10%, nhưng áp lực tăng vốn vẫn tiếp tục gia tăng khi toàn hệ thống bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn nghiêm ngặt hơn.
Trong quý I/2022, hoạt động tín dụng và huy động vốn, tín hiệu khả quan, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,04% (cao hơn nhiều so cùng thời điểm 2021 tăng 2,95%) nhờ cầu tín dụng tăng mạnh ngay từ đầu năm; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng khoảng 3% (cao hơn nhiều so cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,7%), do kênh tiền gửi đã hấp dẫn hơn so 2021.
Có thể thấy, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã tốt hơn và dòng tiền đang có dấu hiệu quay trở lại NH trong bối cảnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm đã tăng nhẹ 0,25 - 0,5 điểm % so cuối năm 2021.
Trên thị trường cho vay giữa các tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế, người dân, mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,82%/năm so đầu năm 2021, thấp nhất trong vòng 20 năm (con số giảm của năm 2020 là khoảng 1%). Việc giảm lãi suất cho vay tăng nhanh từ nửa cuối năm 2021, khi NHNN kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và đây được coi là một trong những tiêu chí để NHNN xem xét nới hạn mức tín dụng.
Nhìn chung, ngành NH Việt Nam, năm 2021 được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, với hàng loạt NH được nâng hạng từ “Tiêu cực”, “Ổn định” lên “Tích cực”. Lý do xuất phát từ nội tại các NHTM đã lành mạnh hóa tài chính, đa dạng hóa dịch vụ, gia tăng sức chống chịu rủi ro trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc năm 2021, chỉ số VNIndex tăng 35,7%, với những chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, giá trị vốn hóa tăng 48,4% so cuối năm 2020 (tương đương 98,4% GDP 2021) và tính thanh khoản bình quân ở 2 sàn đạt 24,7 nghìn tỷ đồng hay 1,1 tỷ USD/phiên giao dịch, tăng 233% so bình quân năm 2020, tạo nền tảng tốt cho sự phát triển của thị trường trong những năm tới.
Thị trường trái phiếu chính phủ tương đối ổn định, trong khi thị trường tổng trái phiếu DN phát triển nhanh với quy mô phát hành năm 2021 tăng 42% so 2020 với các DN bất động sản và tài chính tiêu dùng - 2 nhóm phát hành trái phiếu DN lớn nhất.
Bước sang năm 2022, thị trường đang điều chỉnh, các cơ quan quản lý tăng cường các biện pháp chế tài, kiểm tra và giám sát, hoàn thiện hành lang pháp lý với kỳ vọng lành mạnh hóa để thị trường phát triển an toàn, bền vững hơn; điều này đỏi hỏi “nghệ thuật” điều hành để thị trường phát triển tốt, song vẫn kiểm soát được rủi ro.
Doanh thu thị trường bảo hiểm tăng trưởng cao và tương đối ổn định, tăng khoảng 18% so 2020, với hoạt động liên kết NH – bảo hiểm (Bancassurance) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực đa dạng hóa và liên kết hoạt động của NH và công ty bảo hiểm (tỷ lệ thâm nhập của kênh Bancassurance chiếm khoảng 30% năm 2021). Tuy nhiên, tổng mức doanh thu phí bảo hiểm của Việt Nam mới đạt khoảng 2,6% GDP năm 2021, thấp hơn nhiều so mức bình quân 3,5% GDP khu vực ASEAN.
Lợi nhuận ròng của các công ty bảo hiểm niêm yết tăng khoảng 19% năm 2021, chủ yếu do các yếu tố doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng tốt, tỷ lệ bồi thường ở mức thấp, hoạt động Bancassurance phát triển mạnh. Đáng lưu ý, các công ty bảo hiểm đẩy mạnh số hóa quy trình bán sản phẩm đến tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm, thanh toán phí bảo hiểm…, giúp thủ tục nhanh gọn, chính xác. Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi số của ngành còn chậm.
Cơ hội phát triển sau “bão dịch”
Tại lễ công bố báo cáo diễn ra mới đây, đại diện hội đồng nghiên cứu, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực đánh giá, do có độ lệch pha so một số quốc gia, nền kinh tế Việt Nam, dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 5,5 - 6% (kịch bản cơ sở), nhưng lạm phát sẽ tăng cao (khoảng 3,8 - 4,2%).
Từ đó, thị trường tài chính Việt Nam được dự báo sẽ đón nhận những thuận lợi lớn để phát triển, bên cạnh những khó khăn đan xen. Theo đó, ở các thành phần, ngành NH và chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này. Ngược lại, ngành bảo hiểm sẽ có phần trung lập hơn, chủ yếu đến từ việc tỷ lệ bồi thường quay trở lại trước đại dịch, vì không còn các đợt giãn cách kéo dài.
Thị trường chứng khoán bước vào giai đoạn điều chỉnh, sau khi tăng nhanh trong 2 năm qua, cùng với động thái kiểm soát, lành mạnh hóa thị trường của các cơ quan quản lý. Cùng với đó, quá trình chuyển đổi số tiếp tục diễn ra mạnh mẽ; thanh toán không dùng tiền mặt, cơ cấu lại, hoàn thiện thể chế, tài chính xanh, đảm bảo ổn định vĩ mô, giảm tác động tiêu cực của các cú sốc từ bên ngoài, rủi ro hệ thống tài chính…, sẽ tiếp tục được ưu tiên, tạo tiền đề cho bước phát triển tốt hơn trong những năm tới.
Cấn Văn Lực cho biết, môi trường pháp lý cho thị trường tài chính - được kỳ vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện với khả năng gia hạn NQ số 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, ban hành nghị định về Fintech trong lĩnh vực NH, sửa đổi NĐ153 năm 2020 về phát hành trái phiếu DN, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2022…
Cùng với định hướng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trong thời điểm 2022 - 2023, dự báo, NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung tiền và tăng trưởng tín dụng phù hợp năm 2022.
Theo đó, chính sách tiền tệ sẽ phối hợp với chính sách tài khóa nhằm thực hiện thành công chương trình hỗ trợ lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng trong 2 năm (2022 - 2023); chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm trong 2 năm. Trong khi đó, lãi suất điều hành, dự báo vẫn được giữ nguyên năm 2022, do dư địa giảm không còn nhiều, trong khi áp lực lạm phát tăng mạnh.
Đại diện nhóm nghiên cứu nhận định, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì mức thấp như hiện nay và có thể tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2022. Lãi suất huy động (gồm cả lãi suất liên NH) sẽ tăng dần trong cả năm 2022, do 3 nguyên nhân chính là các kênh đầu tư khác (bất động sản, chứng khoán...) vẫn khá hấp dẫn, tiếp đó là nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh kinh tế phục hồi và cuối cùng là xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu nhằm kiểm soát lạm phát. Bối cảnh như vậy sẽ khiến chênh lệch lãi suất biên ròng (NIM) của các tổ chức tín dụng sẽ thấp hơn 2 năm qua.
Nhóm nghiên cứu cũng đánh giá, tín dụng sẽ tăng trở lại cùng với chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn, dự báo, kết quả kinh doanh ngành NH tiếp tục tăng trưởng tích cực năm 2022. Cụ thể, lợi nhuận tăng trưởng toàn hệ thống dự kiến tăng khoảng 20 - 25% so 2021. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác, ngành NH cũng sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức, bởi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, áp lực nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, áp lực tăng vốn, khung pháp lý cho chuyển đổi số chưa hoàn thiện, rủi ro công nghệ, tội phạm tài chính gia tăng…
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ có điều chỉnh, rủi ro hơn, với tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều và được điều tiết chặt chẽ theo hướng lành mạnh hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam, kỳ vọng có thể được nâng hạng chính thức bởi FTSE Russell vào 2023 và MSCI vào 2024 hoặc 2025.
Các cơ quan quản lý thị trường, thời gian gần đây đang nỗ lực phối hợp với các tổ chức định hạng thị trường để đáp ứng dần từng tiêu chí cần cải thiện. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng trong và ngoài nước, Nhóm nghiên cứu đưa ra 2 kịch bản cho thị trường chứng khoán năm 2022. Vế điểm số VN-Index, Nhóm nghiên cứu đưa ra kịch bản 1 đạt 1.436 điểm với giả định EPS tăng trưởng 13% và P/E 14,5 lần; kịch bản 2 có thể đạt 1.614 điểm với giả định EPS tăng trưởng 16,5% và P/E 16,3 lần.
Về thanh khoản bình quân 3 sàn: Kịch bản 1 đặt lượng bình quân giao dịch 932 tỷ USD/phiên, giảm 20% so năm trước; kịch bản 2 bình quân 1.107 tỷ USD/phiên, chỉ giảm 5% khi hệ thống giao dịch và các sản phẩm hỗ trợ thanh khoản đưa vào sử dụng trong quý 3/2022. Cùng với đó, số tài khoản mở mới tăng lần lượt 20% và 30% cho 2 kịch bản. Vốn hóa thị trường tăng tương ứng -4% và 8%.
Cấn Văn Lực nhận định, năm 2022, khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ, dự kiến không đổi so năm trước, do quy mô đáo hạn trái phiếu chính phủ thấp hơn so các năm trước chỉ vào khoảng 50.000 tỷ đồng so mức 100.000 – 150.000 tỷ đồng, đã góp phần làm giảm áp lực phát hành thêm trái phiếu chính phủ để tái cơ cấu nợ công.
Đối với thị trường bảo hiểm, nhóm nghiên cứu đánh giá, năm 2022, thị trường tài chính Việt Nam được dự báo sẽ vận hành theo hướng có điều chỉnh, lành mạnh hóa và quy định chặt chẽ hơn. Nhờ đó, doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 sẽ tiếp tục diễn biến tốt.
Kiến nghị 3 nhóm giải pháp
Dựa trên những phân tích về triển vọng, rủi ro, thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam năm 2022, TS. Cấn Văn Lực đại diện Nhóm nghiên cứu, đưa ra các kiến nghị để thị trường tài chính Việt Nam tận dụng các cơ hội phát triển và tháo gỡ rào cản, giảm thiểu tác động tiêu cực của những thách thức tới hoạt động của hệ thống tài chính.
Theo đó, để có bước phát triển này, một số kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ như chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình phòng chống dịch 2022 - 2023 trong bối cảnh mới; thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH 2022 - 2023; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy nhanh việc xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Chính phủ cần chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vụ việc vi phạm pháp luật vừa qua trên thị trường chứng khoán nhằm củng cố niềm tin của các nhà đầu tư; xem xét gia hạn NQ42/2017 của Quốc hội, tiến tới luật hóa xử lý nợ xấu; quan tâm và có giải pháp quản lý rủi ro hệ thống tài chính... nhằm tạo điều kiện vĩ mô thuận lợi cho hoạt động DN, cũng như thị trường tài chính.
Đối với NHNN, Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng, TS. Cấn Văn Lực đề nghị, cần tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tăng vốn; đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế cho hoạt động NH; linh hoạt trong giao hạn mức tăng trưởng tín dụng và khuyến khích phát triển các khu vực tài chính xanh như tín dụng xanh, trái phiếu xanh; tăng cường đầu tư hạ tầng thanh toán, hạ tầng CNTT…
Cùng với đó, đề nghị NHNN, Bộ Tài chính phát triển thị trường mua - bán nợ, sửa đổi NĐ153 (2020), sửa đổi Thông tư 14 (2021) của NHNN, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu DN, khung pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của ngành tài chính - NH (không chỉ lĩnh vực thanh toán mà cả hoạt động cấp tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm); xác định rõ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đối với các định chế tài chính …. nhằm tháo gỡ rào cản cho các thành viên tham gia, phát triển và lành mạnh hóa thị trường tài chính.
Đưa ra các giải pháp đối với các định chế tài chính, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các tổ chức tín dụng cần chủ động giải pháp tăng vốn, phân loại, xử lý nợ xấu, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, tiết giảm chi phí gắn với tiến trình chuyển đổi số, tinh giản quy trình và nâng cao năng suất lao động, tận dụng cơ hội phục hồi, hội nhập để phát triển kinh doanh… Đối với các công ty chứng khoán, cần tiếp tục phát triển, lành mạnh hóa mảng môi giới, cho vay margin và tư vấn phát hành cùng với cải thiện năng lực quản lý rủi ro và chuyển đổi số.
Trong khi đó, các công ty bảo hiểm cần chú trọng phát triển đa dạng kênh bán hàng (đại lý, môi giới, Bancassurance và hợp tác Fintech); đồng thời chuẩn bị nguồn lực cho việc tỷ lệ bồi thường quay trở lại mức trước đại dịch.
Theo các chuyên gia, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, biến động trong năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, nhưng thị trường tài chính Việt Nam vẫn đảm bảo an toàn hệ thống và có những bước tiến đáng lưu ý. Tuy nhiên, sau 2 năm tăng trưởng khá nhanh, thị trường chứng khoán đang có những điều chỉnh, lành mạnh hóa cần thiết, đòi hỏi quan tâm hơn đến rủi ro hệ thống.
Phan Chinh