Sau 02 ngày họp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED cuối cùng đã nâng mức lãi suất cơ bản thêm 0,75% - mức tăng cao nhất trong vòng 28 năm. Như vậy, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 1,5-1,75%. Đây là bước đi mạnh tay của FED trong bối cảnh lạm phát tháng Năm tại Mỹ ở mức cao nhất trong vòng 41 năm, kéo tụt niềm tin của người tiêu dùng.
Chủ tịch FED - Jerome Powell cho biết, cơ quan này có thể tiếp tục đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm từ 0,5% tới 0,75% tại cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng Bảy.
“Rõ ràng, mức tăng 75 điểm cơ bản ngày hôm nay là một con số lớn bất thường và tôi không mong đợi những động thái diễn ra ở quy mô phổ biến. Tuy nhiên, mức tăng 50 điểm cơ bản hoặc 75 điểm cơ bản dường như rất có thể xảy ra tại cuộc họp tiếp theo. Chúng tôi cần đưa ra quyết định sau cuộc họp và chúng tôi sẽ tiếp tục truyền đạt suy nghĩ của mình một cách rõ ràng nhất có thể. Mục đích của chúng tôi là sử dụng các công cụ của mình để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% và giữ lạm phát trong dài hạn được ổn định", Jerome Powell nhấn mạnh.
Các quan chức tham gia cuộc họp chính sách của FED dự báo mức tăng lãi suất cơ bản có thể lên tới ít nhất 3% trong năm nay và 3,75% vào cuối năm tới cho tới khi giảm nhẹ trong năm 2024.
Theo đánh giá của Giáo sư kinh tế Michael Connolly của Trường Kinh doanh Miami Herbert, bước đi của FED kịch tính nhưng không quá bất ngờ với nhà đầu tư. “Dù có vẻ kịch tính song hành động của Fed cũng không quá bất ngờ, nó giúp đẩy nhanh lãi suất, trái phiếu, tất nhiên là mang lại một số kỳ vọng nhất định".
Các nhà đầu tư dường như đã nhẹ nhõm hơn khi FED đáp ứng mong đợi của thị trường, bởi họ cho rằng, nền kinh tế sẽ tốt hơn về lâu dài và có thể kiềm chế lạm phát trước mắt. Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones, chỉ số S&P 500 và chỉ số Nasdaq cùng tăng lần lượt ở mức 1%, 1,46% và 2,5%.
Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng tràn ngập sắc xanh. Thước đo cổ phiếu toàn cầu của MSCI đã tăng 1,10%, sau khi rơi xuống mức thấp kỷ lục trong 1-1,5 năm hồi đầu tuần. Mở phiên giao dịch hôm nay, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản), Australia, Hàn Quốc,… đồng loạt tăng điểm ở các mức khác nhau sau nhiều phiên giảm điểm.
Trong khi đó, lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm và 02 năm của Mỹ cũng đã giảm từ mức cao kỷ lục trong 11 năm được ghi nhận trước đó 1 ngày. Chỉ số của đồng USD cũng đã “hạ nhiệt”, giảm 0,40%, sau khi chạm mức kỷ lục trong vòng 20 năm. Giá dầu thô thế giới cũng giảm xuống còn 115 USD/ thùng.
Dù được giới đầu tư đang kỳ vọng nhiều về động thái kiềm chế lạm phát của FED, tuy nhiên chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ đi kèm với việc hạ thấp triển vọng kinh tế. Đây là một sự đánh đổi tất yếu.
Kinh tế Mỹ được dự đoán sẽ tăng trưởng giảm từ mức dự báo hồi tháng Ba là 2,8% xuống mức 1,7%; tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 3,7% vào cuối năm, và tiếp tục tăng lên 4,1% cho đến năm 2024. Bởi sau những lần thắt chặt chính sách tiền tệ, các nước thường đối mặt với một đợt suy thoái kinh tế.
C.H (t/h)