Theo văn bản 3406/BVHTTDL-TCDL, hiện nay, tình hình doanh nghiệp du lịch đang rất khó khăn. Doanh nghiệp vận tải du lịch (ô tô) gần như đóng cửa vì không có khách. 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, trong đó 10% xin thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, chấm dứt hoạt động.

Các doanh nghiệp lưu trú, khách sạn, resort tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh công suất phòng chỉ đạt 10%; các tỉnh là vùng có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi gần như không có khách trừ một số khách là chuyên gia và khách cách ly.

Các tỉnh là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh công suất buồng phòng chỉ đạt 03-05%, các địa phương còn lại công suất đạt 10-20%. Nhìn chung cơ sở lưu trú hoạt động cầm chừng, công suất thấp, nhân viên nghỉ việc, chỉ duy trì số ít nhân viên đi làm bảo trì trang thiết bị.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Trên cơ sở thực trạng hoạt động du lịch, kiến nghị của các địa phương và doanh nghiệp tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 07-8-2020, tiếp theo công văn số 1156/BVHTTDL-TCDL ngày 19-3-2020 gửi Thủ tướng Chính phủ, công văn số 1399/BVHTTDL-TCDL ngày 09-4-2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo, đề xuất Thủ tướng một số giải pháp bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động ngành Du lịch chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19:

Thứ nhất, về nhóm giải pháp về thuế, phí, giá: Điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất trong năm 2020 và những năm tiếp theo theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xem xét cho giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2020, 2021.

Hiện nay, Chính phủ đã có Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (Nghị quyết số 116/2020/QH14, ngày 19/6/2020) nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng đối với doanh nghiệp du lịch.

Thứ hai, nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động gồm: Xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Xem xét tạo thuận lợi hơn về các điều kiện, thủ tục để được nhận hỗ trợ, giúp doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận hơn với gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ của Chính phủ. Xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ cho đối tượng được đề cập tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09-4-2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Thứ ba, nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ gồm: Xem xét có chính sách lùi thời gian trả lãi suất vay ngân hàng, áp dụng đến tháng 12-2021 vì hiện các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi. Các ngân hàng hiện nay mới áp dụng việc giảm lãi suất cho vay 01-02% hoặc giãn, lùi thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và thuộc diện được tái cơ cấu, chưa có chính sách lùi thời gian trả lãi suất cho vay.

Tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, giãn thời gian trả nợ vay, khoanh nhóm nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn.

Thứ tư là giải pháp bản đồ số. Cụ thể: “Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế xây dựng ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn trên bản đồ số về các vùng có dịch và vùng an toàn. Điều này sẽ giúp các hãng hàng không và doanh nghiệp du lịch thuận tiện trong việc xây dựng kế hoạch bán vé máy bay và phục vụ khách, khách du lịch sẽ thuận tiện chọn điểm đến an toàn cho mình”.

Hoan Nguyễn