Trong những tháng gần đây, các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò trên thị trường toàn cầu. Điển hình là những mặt hàng lúa gạo, rau củ quả và thủy sản; trong đó phải kể đến mặt hàng gạo, không chỉ mang về giá trị kim ngạch tăng cao, mà quan trọng hơn, hạt gạo Việt Nam đang góp phần vào bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong bối cảnh lương thực ở nhiều quốc gia khan hiếm do thời tiết diễn biến bất thường.
Bên cạnh những thành tựu, ngành Nông nghiệp cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Đúng như lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những vấn đề liên quan đến ngành này, diễn ra chiều 15-8 vừa qua, khi cho rằng: “Ngành Nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với 3 chữ “biến”, cụ thể là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững”.
Đi vào từng vấn đề cụ thể có thể thấy rõ hơn. Đó là trong khi thị trường trong nước phục hồi chậm thì thị trường ngoài nước có nhiều biến động, số lượng đơn hàng giảm, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng, kết nối, điều hòa cung - cầu còn bất cập. Đáng chú ý, việc cải thiện, nâng cao đời sống cho nông dân có nhiều thách thức đặt ra, khi nông nghiệp vẫn là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế; trong nông nghiệp thì người trồng lúa là bộ phận có thu nhập thấp nhất dù hiện nay nước ta là cường quốc xuất khẩu gạo...
Để hóa giải khó khăn, thách thức, giải pháp tổng thể, toàn diện và mang tính “sâu rễ, bền gốc” cho ngành Nông nghiệp, cần phải tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 19-NQ/TƯ (ngày 16-6-2022) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên tinh thần đó, những vấn đề lớn của ngành Nông nghiệp cần có cách tiếp cận toàn diện, nhiều chiều để có giải pháp phù hợp, kịp thời trong bối cảnh hiện nay.
Nổi bật là vấn đề an ninh lương thực, cần tiếp cận theo hướng an ninh lương thực, thực phẩm và bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với đẩy mạnh sản xuất lúa gạo và các sản phẩm khác ngoài lúa, gạo. Vấn đề tiêu thụ nông sản cũng được đặc biệt quan tâm. Do đó, các ngành chức năng cần khẩn trương hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Đồng thời, cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường một cách toàn diện, cẩn trọng.
Dù luôn là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, nhưng vấn đề quan trọng nhất hiện nay của ngành Nông nghiệp là nâng cao đời sống cho nông dân - những người trực tiếp sản xuất ra nông sản. Do đó, khu vực nông nghiệp, nông thôn phải chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, để nông dân không chỉ hưởng thành quả từ cây trồng, vật nuôi.
Hồng Nhung(T/h)