Cùng một sản phẩm, giá tiền tương đương dưới 1 triệu đồng nhưng đối với hàng nhập khẩu qua chuyển phát nhanh thì được miễn thuế giá trị gia tăng, còn hàng nội địa thì không. Theo anh Trần Lâm - một cá nhân kinh doanh hàng nội địa qua thương mại điện tử thì điều này đang tạo sức ép cho ngành bán lẻ nội địa.
"Nếu như có sự chênh lệch giữa thuế phải đóng so với các nhà bán hàng nước ngoài rõ ràng đây là cuộc chơi không công bằng", anh Lâm nói.
Chuyên gia thì cho rằng, để đảm bảo tính bình đẳng trong kinh doanh thì việc đánh thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng qua thương mại điện tử cần được tính đến để thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho biết: "Mua 1 gói tăm, mua 1 hộp bút ở siêu thị đều có thuế giá trị gia tăng là 10%, 5%, tại sao qua thương mại điện tử lại miễn? Giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử bình đẳng như nhau, có doanh thu phải nộp thuế.".
Theo số liệu được Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội dẫn chứng, bình quân mỗi ngày các sàn như Shopee, Lazada, Tiktok luân chuyển hàng nhập khẩu giá trị nhỏ lên mức 45 triệu USD, tương ứng mỗi tháng khoảng 1,3 tỷ USD.
Trước đây, việc miễn thuế với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu là do quản lý mất nhiều chi phí, trong khi kết quả thu lại không bao nhiêu. Nhưng hiện nay với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong thời gian vừa qua thì việc áp thuế giá trị gia tăng với mặt hàng này cũng cần tính đến để gia tăng nguồn thu và đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, bình đẳng với người kinh doanh truyền thống.
Thu Trang (t/h)