Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, liên quan đến vấn đề tuổi nghỉ hưu, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BL ĐTBXH có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 năm so với tuổi nghỉ hưu quy định tại các văn bản này. Trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

Đề xuất viên chức ngành nghệ thuật biểu diễn là nghề nặng nhọc để được nghỉ hưu sớm.
Đề xuất viên chức ngành nghệ thuật biểu diễn là nghề nặng nhọc để được nghỉ hưu sớm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, với đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo hết sức công phu, lâu dài, từ 7- 12 năm, một số bộ môn từ 15 -16 năm, tuổi đào tạo nghề thường từ 10 tuổi trở lên và phải có năng khiếu, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 năm đến 20 năm.

Tuy nhiên, khi đến độ tuổi từ 35 tuổi đến 40 tuổi (đối với nữ) và từ 40 tuổi đến 45 tuổi (đối với nam), khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn như: Xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet...

Với những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm từ diễn viên sang vị trí việc làm công chức, viên chức quản lý, hành chính. Bởi họ không đáp ứng tiêu chuẩn thi, xét tuyển công chức, viên chức do đa số các diễn viên chỉ có bằng trung cấp nghề.

Mặt khác, trên thực tế diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thường mong muốn giải quyết chế độ để được nghỉ hưu sớm.

Trước thực tế đề cập như trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng, khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên. Mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội.

Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

Còn theo Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau 40 ngày, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày); 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày); 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày).

Ngoài ra, để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp, người lao động phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 44 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Đó là, bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh bệnh nghề nghiệp.

Minh Đức