THCLTại Hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, nhiều đại biểu đứng đầu các cơ sở đào tạo trên cả nước đã “mổ xẻ” yếu kém của chất lượng giáo dục đại học và nhận định, nếu không ngay lậptức đổi mới quản trị đại học thì chưa biết đến khi nào chất lượng đại học mới được cải thiện, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chất lượng giáo dục đại học còn nhiều hạn chế

Ngày 7/1, tại Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, với sự tham gia của 271 đại biểu đứng đầu các cơ sở đào tạo trên cả nước.

Đến bao giờ chất lượng đại học mới cải thiện? - Hình 1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận ba vấn đề lớn, có ý nghĩa quyết định tới chất lượng giáo dục đại học (GDĐH) gồm: đổi mới quản trị ĐH và thực hiện tự chủ tại các trường ĐH; các giải pháp bảo đảm chất lượng, thực hiện kiểm định chất lượng trong toàn hệ thống; đổi mới phương pháp đào tạo, kết nối với nhà sử dụng lao động để tăng cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.

Đánh giá về chất lượng đào tạo, phần lớn các ý kiến của các trường đều cho rằng chất lượng GDĐH hiện nay còn nhiều hạn chế. PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, chất lượng đào tạo hiện nay còn thấp. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, chi phí cho đào tạo để nâng cao chất lượng hiện nay còn thấp chính là một rào cản.

Trên thực tế chi phí đầu vào cao chưa chắc có chất lượng đào tạo cao nhưng chi phí đầu vào thấp thì không thể có chất lượng cao được. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo cần thay đổi cách phân bổ kinh phí, tạo cơ chế để các trường tự chủ quyết định học phí, không nên có trần học phí như hiện nay.

GS.TS. Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, nguyên nhân do thực trạng số lượng tuyển sinh so với năng lực đào tạo của các trường không cân đối. Thí dụ tại Trường ĐH Y dược Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) có lớp học hơn 50 sinh viên đến bệnh viện thực tập thì ngay bệnh viện cũng khó bố trí làm việc gì trong quá trình thực tập.

GS. Vui cho rằng, nhiều cơ sở đào tạo trước đây chỉ có 20 sinh viên/lớp nhưng đến nay đã có tới 70 - 80 sinh viên/lớp thì khó có thể bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, theo quy định, các trường phải thực hiện “ba công khai” nhưng hiện nay chỉ là hình thức, chứ không đi vào thực chất cho nên xã hội khó có thể giám sát và chất lượng đào tạo còn thấp.

GS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhìn nhận, phần lớn các sinh viên giỏi khi tốt nghiệp được giữ ở lại trường làm đào tạo, nghiên cứu theo thầy, dẫn đến tính phản biện trong đào tạo, nghiên cứu khoa học không cao, không rõ ràng. Trong khi đó, chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, trường nào cũng giống trường nào là không hợp lý dẫn đến chất lượng đào tạo còn hạn chế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Chất lượng giáo dục đại học có những bước chuyển tích cực, một số trường, ngành có đột phá (chương trình tiên tiến, chất lượng cao). Tuy nhiên, xét theo yêu cầu và trong một số trường hợp thì chất lượng chưa theo kịp. Những bất cập, yếu kém bộc lộ ngày càng rõ dẫn đến xã hội lo ngại, thậm chí bức xúc.

Giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nâng cao chất lượng GDĐH hiện nay phục thuộc vào: Thứ nhất, chất lượng đội ngũ thấp, tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao, thầy dạy không thể nhớ nổi trò trong lớp, dạy học như thể dạy phổ thông cấp bốn... thì không thể có chất lượng GDĐH tốt được. Thực tế ở nước ta hiện nay có khoảng 19% giảng viên có trình độ TS là rất thấp, trở thành một điểm hạn chế lớn trong nâng cao chất lượng đào tạo.

Đến bao giờ chất lượng đại học mới cải thiện? - Hình 2Cần thay đổi quản trị nâng cao chất lượng GDĐH

Thứ hai, về cơ sở vật chất ở tất cả các trường ĐH thuộc các loại hình đều chưa bảo đảm. Bởi trường ĐH không chỉ là nơi để học chữ, mà có thể như một thành phố thu nhỏ. Nhưng thực tế hiện nay cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm trong đào tạo còn thiếu thốn. Thậm chí có những cơ sở đào tạo thuê lại cơ sở bỏ không của một đơn vị nào đó để trở thành khu giảng đường thì khó có chất lượng đào tạo tốt được. Trong khi đó, nhiều trường chú trọng mở những ngành khối kinh tế, ít phải đầu tư để mở ngành...

Thứ ba, về tài chính thực tế ở Việt Nam hiện nay tính chi phí đào tạo khoảng 500 USD/sinh viên/năm; trong khi các nước chi phí đào tạo khá cao như ở Mỹ khoảng 16 nghìn USD (trường công), 36 nghìn USD (trường tư). Như vậy về điều kiện nguồn lực tài chính giúp nâng cao chất lượng trong đào tạo hiện nay khá bất cập. Với nguồn lực thu tài chính như ở Việt Nam có tới 95% chi cho đào tạo, còn lại chi cho nghiên cứu khoa học rất ít, chi cho đầu tư phát triển gần như không có... dẫn đến việc các trường tập trung nâng cao chất lượng chưa nhiều.

Đối với vấn đề đào tạo, hiện nay chủ yếu các trường dựa vào kinh nghiệm, nguồn lực vốn có là chính dẫn đến nhiều ngành có thế mạnh trước đây thì hiện nay tuyển sinh, đào tạo khó khăn, còn ngành mới nhu cầu nhiều lại không có. Mặt khác, tình trạng sinh viên tốt nghiệp ĐH ra trường thất nghiệp ngày một nhiều. Điều đó cho thấy cách tiếp cận đào tạo hiện nay vẫn theo truyền thống từ thời bao cấp. Các trường cần chuyển sang tiếp cận đổi mới đào tạo theo kinh tế thị trường là cung cấp dịch vụ, tăng cường nghiên cứu, dự báo nhu cầu thực tiễn.

Đối với chương trình đào tạo có thể chuyển giao chương trình nước ngoài và có điều chỉnh vận dụng cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam mà tránh tình trạng cắt ghép, hoặc để chương trình cũ... không bảo đảm chất lượng.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cần đổi mới quản trị ĐH, nếu không quản trị tốt có thể xảy ra tình trạng nhà khoa học giỏi đăng ký “đánh trống ghi tên” ở cơ sở đào tạo này, nhưng lại tham gia vào đào tạo, nghiên cứu ở trường khác. Vì vậy, GDĐH phải đổi mới công tác quản trị cả về mô hình tổ chức, giảm tính hành chính, tăng tự chủ ĐH nhưng bảo đảm tăng minh bạch, công khai và tăng chịu trách nhiệm với xã hội của các cơ sở đào tạo. Các trường cần rà soát chủ động việc giảm quy mô mà nâng cao chất lượng. Cần áp dụng tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi ra trường như là tiêu chí căn cứ để xác định quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDĐH.

Các trường ĐH phải thay đổi quan hệ với doanh nghiệp, chứ không thể cho rằng ĐH có uy tín là người ta tự tìm đến, mà phải đổi từ quản lý sang quản trị, phân định rạch ròi giữa những người làm khoa học chuyên môn và những người làm công tác quản lý. Hiệu trưởng các trường ĐH không nhất thiết phải là giáo sư hay tiến sĩ, mà phải là những người quản lý giỏi. Hiệu trưởng các trường ĐH cần xác định bảo đảm phát triển bền vững, lâu dài, bảo đảm tâm huyết trong đào tạo với xã hội.

Năm nhóm giải pháp nâng cao chất lượng GDĐH:
- Rà soát quy hoạch mạng lưới các trường ĐH trên toàn quốc
- Tăng cường các giải pháp bảo đảm chất lượng gồm đội ngũ giáo viên,cơ sở vật chất và tài chính
- Đẩy mạnh quản trị ĐH theo hướng tự chủ
- Rà soát lại toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến GDĐH
- Tăng cường truyền thông xây dựng thương hiệu

PV