Trước đó, trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, nhóm này đã gửi ròng gần 400.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Hay thậm chí, nếu so với cùng kỳ tháng 7 của những năm trước đó, tiền gửi của doanh nghiệp vẫn cho thấy mức tăng trưởng đều khoảng hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, diễn biến trên chủ yếu do dịch bệnh kéo dài làm ảnh hưởng tới doanh thu của doanh nghiệp và khiến nhu cầu tiền mặt tăng.
Trong khi đó, mặc dù tiền gửi của dân cư vào hệ thống không đến nỗi giảm nhưng cũng chỉ tăng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng trong tháng 7. Điều này cho thấy mức độ quan tâm của người dân đối với kênh gửi tiền tiết kiệm chưa được cải thiện trong bối cảnh thu nhập chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.
Đồng thời, giới chuyên môn còn cho rằng, do mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp kỷ lục nên dòng tiền trong dân cư có xu hướng ngày càng linh hoạt, năng động hơn giữa các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu… thay vì chỉ lựa chọn gửi ngân hàng.
Tuy nhiên, luỹ kế 7 tháng đầu năm, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vẫn tăng 4,25%, lên 5,09 triệu tỷ đồng; tiền gửi của dân cư tăng 2,97%, lên 5,29 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng tiền gửi khách hàng trong hệ thống ngân hàng tăng 3,59% lên 10,38 triệu tỷ đồng.
Cũng theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng dư nợ tín dụng 7 tháng cao hơn đáng kể tăng trưởng tiền gửi khách hàng, đạt 6,92%, lên 9,83 triệu tỷ đồng.
Cụ thể, dư nợ ngành công nghiệp tăng cao nhất với 9,95%. Tiếp đó là ngành thương mại với 8,71%, các hoạt động dịch vụ khác với 7,12%. DưDỊc nợ ngành vận tải và viễn thông tăng khá khiêm tốn, chỉ 3,81%; kế đó là nông, lâm, thủy sản với 2,06%. Ngành xây dựng tăng rất thấp, chỉ 0,84%.
P.T