Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết: Việc phục hồi sản xuất nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, đóng góp cho tăng trưởng của cả nền kinh tế có nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất là hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân đầu tư vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm.
Thứ hai là kết quả thu hút giải ngân vốn FDI khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước.
Thứ ba, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đồng hành cùng với các hiệp hội doanh nghiệp để tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử và chế biến thực phẩm...
Thứ tư là các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt là các đối tác thương mại lớn của chúng ta như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Và cụ thể gần đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc là một minh chứng rất rõ cho điều này.
Thứ năm là năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước đã được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Đây là những tín hiệu mới, tích cực, khi các doanh nghiệp trong nước đã tăng trưởng xuất khẩu gấp gần 2 lần so với doanh nghiệp FDI và niềm tin cũng được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và có xu hướng phục hồi thị trường thế giới.
Vậy, các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp 6 tháng cuối năm 2024 là gì? Ông Phạm Tuấn Anh thông tin:
Thứ nhất là tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giầy và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí và thép; Đồng thời, thúc đẩy và đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Thứ hai là tập trung tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới trong ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.
Thứ ba là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có, nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại địa phương và các vùng kinh tế trọng điểm.
Và thứ tư là tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng những cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ. Khuyến khích việc tăng cường mua sắm hàng hóa trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu mà trong nước đã sản xuất được. Đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như ngành dệt may, da giày, điện tử…
Ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh: Đầu tư công tác động đến phát triển các ngành công nghiệp theo nhiều cách khác nhau. Đầu tư công tác động gia tăng tổng cầu của thị trường, tạo động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân trong xã hội, trong đó có đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.
X.Hải (t/h)