Trong 9 tháng năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (cả nước tăng 1,42%).

Trong lĩnh vực thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 3.360 nghìn tỉ đồng, có 44/63 địa phương tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt trên 240 tỉ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước; có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 92,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 240 tỉ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại tỉnh Phú Thọ, phát triển công nghiệp và hoạt động thương mại trên địa bàn chín tháng năm 2021 tương đối ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,12% so với cùng kỳ năm 2020; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 27.490 tỉ đồng, tăng 6,14% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định, xuất khẩu ước đạt trên 5.600 triệu USD, đạt 125% kế hoạch năm; nhập khẩu ước đạt trên 5.700 triệu USD, đạt 135% kế hoạch năm.

Theo đại diện Bộ Công thương, những tháng cuối năm, các đơn vị, các địa phương cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm: Bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, bảo đảm thực hiện “mục tiêu kép”; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, thương mại dịch vụ và xuất nhập khẩu; tận dụng thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp cuối năm, tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng vừa qua;

Cần nắm bắt kịp thời tình hình, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn để có giải pháp tháo gỡ, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng;

Chú trọng triển khai các dự án đầu tư lớn của ngành, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

Trong lĩnh vực thương mại cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân; tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Các địa phương cần rà soát, đánh giá lại tình hình thực hiện kế hoạch, các chỉ tiêu về công thương năm 2021 để xây dựng các chỉ tiêu của năm 2022 phù hợp với tình hình thực tế; đề ra các giải pháp thực hiện mang tính khả thi cao. 

 Hoan Nguyễn